sieu-dan-ca-heo-1-500-con-xuat-hien-ngoai-khoi-my-1739265309.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2tZqo_3BBk9vpAzH0LmiQg
'Siêu đàn' cá heo 1.500 con xuất hiện ngoài khơi Mỹ

Đàn cá heo Risso hơn 1.500 con ngoài khơi California. Video: Monterey Bay Whale Watch

Các nhân viên của Monterey Bay Whale Watch, công ty chuyên tổ chức tour ngắm cá voi, ghi hình "siêu đàn" cá heo Risso (Grampus griseus) nô đùa tại vịnh Carmel, bang California, cuối tháng trước, Smithsonian hôm 10/2 đưa tin. Thuyền khảo sát bơm hơi dài 6 m của công ty bắt gặp chúng khi đang chạy dọc bờ biển phía nam Monterey để nghiên cứu cá voi xám di cư.

Ban đầu, nhóm nhân viên nghĩ rằng chỉ có vài trăm con cá heo Risso. Nhưng khi sử dụng drone, họ nhận ra có tới hơn 1.500 con.

Chúng lướt trên mặt nước, nhảy lên, đập đuôi và nhìn chung đang vui vẻ, theo Colleen Talty, một nhà sinh vật biển có mặt trên thuyền khảo sát. Cả con non lẫn con trưởng thành đều tham gia vào cuộc chơi. Một số con thực hiện kỹ thuật "bow riding" - bơi trước mũi thuyền và tận dụng sóng áp lực của thuyền để lao đi trong nước.

Sau khi nhận ra có bao nhiêu cá heo trong khu vực, nhóm nhân viên điều khiển thuyền chạy thẳng về phía trước, cẩn thận không thực hiện bất kỳ thao tác di chuyển đột ngột nào nhằm tránh gây thương tích cho chúng.

Hiện chưa rõ tại sao nhiều cá heo Risso như vậy lại tụ tập dọc bờ biển. Monterey Bay Whale Watch cho rằng có thể nhiều đàn nhỏ đã kết hợp lại để bơi về phía nam. Chúng tận dụng vùng nước cực sâu của hẻm Monterey - khe nứt ngầm sâu 4 km và dài 470 km ngoài khơi. Cá heo Risso thường thích vùng nước sâu ngoài khơi, đặc biệt là ở gần rìa thềm lục địa và sườn dốc, nơi chúng có thể lặn xuống ít nhất 300 m và nhịn thở 30 phút, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Cá heo Risso sinh sống tại khắp các vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Chúng ăn cá cơm, tôm, mực, bạch tuộc và nhiều con mồi khác. Chúng có chiếc đầu tròn đặc trưng và là loài cá heo kích thước trung bình, nặng 300 - 500 kg, dài 4 m. Con trưởng thành thường mang nhiều vết sẹo do răng của những con cá heo khác, cá mập cắt bánh quy và cá mút đá gây ra.

Dù không được coi là loài nguy cấp hay bị đe dọa, cá heo Risso vẫn đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, bao gồm vướng vào thiết bị đánh bắt cá, tiếng ồn dưới nước và ô nhiễm. Chúng cũng bị săn bắt lấy thịt và dầu ở một số nơi trên thế giới như vùng Caribbean, Indonesia, Nhật Bản, quần đảo Solomon và Sri Lanka.

Thu Thảo (Theo Smithsonian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022