
Máy bay chiến đấu tương lai sẽ khai thác công nghệ tàng hình và AI. Ảnh: Mike Mareen
Những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới được biết đến như "thế hệ thứ 5". Chúng sở hữu công nghệ phát triển trong nửa đầu thế kỷ 21. Ví dụ về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 bao gồm F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ, Chengdu J-20 của Trung Quốc và Sukhoi SU-57 của Nga. Tuy nhiên, hiện nay, các quốc gia đang tiến tới phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Trong vài tháng qua, Trung Quốc bay thử máy bay phản lực nguyên mẫu J36 và J50. Trong khi đó, Mỹ lựa chọn Boeing để chế tạo máy bay chiến đấu mới mang tên F-47. Tương tự các thế hệ trước đó, thế hệ thứ 6 sẽ tích hợp những tiến bộ quan trọng trong thiết kế máy bay, hệ thống điện tử và vũ khí, theo Live Science.
Các máy bay chiến đấu tương lai có thể sẽ không tăng đáng kể về tốc độ tối đa hay hiệu suất bay. Thay vào đó, những đổi mới sẽ tập trung vào cách các hệ thống vận hành và chiếm ưu thế trong chiến đấu trên không. Giống như thế hệ thứ 5, công nghệ tàng hình sẽ tiếp tục là yếu tố chủ đạo ở thế hệ thứ 6, giúp máy bay chiến đấu giảm khả năng bị phát hiện bởi cảm biến hồng ngoại và radar, đến mức khi thu được tín hiệu của chúng, đối thủ không kịp hành động.
Điều này đạt được thông qua các khung thân hình dạng đặc biệt (như hình thoi) và lớp phủ trên máy bay, gọi là vật liệu hấp thụ radar. Khung thân là cấu trúc cơ bản của máy bay, bao gồm thân, cánh, cụm đuôi và càng đáp. Hình thoi vốn là hình dạng đặc trưng ở thế hệ thứ 5 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tồn tại ở thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo, nhưng được cải tiến hơn.
Một đặc điểm phổ biến chúng ta có thể chứng kiến là việc giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn đuôi đứng phía sau máy bay và các bề mặt điều khiển của chúng. Ở máy bay hiện nay, phần đuôi này cung cấp sự ổn định và kiểm soát phương hướng trong lúc bay, cho phép phương tiện duy trì đường bay và dễ lái. Tuy nhiên, máy bay phản lực thế hệ thứ 6 có thể đạt khả năng điều khiển này với sự hỗ trợ của vector đẩy, điều chỉnh hướng động cơ và do đó hướng lực đẩy (lực giúp máy bay di chuyển qua không khí).
Vai trò của cánh đứng có thể bị thay thế một phần bởi thiết bị mang tên bộ truyền động chất lưu. Chúng tác động lực lên cánh bằng cách truyền không khí áp suất và tốc độ cao qua những phần khác nhau của cánh. Loại bỏ cánh đứng sẽ góp phần tăng cường khả năng tàng hình của máy bay chiến đấu. Thế hệ máy bay chiến đấu mới cũng có thể sử dụng vật liệu hấp thụ radar mới với nhiều tính năng cao cấp.
Động cơ chu kỳ thích ứng có thể xuất hiện trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Chúng có đặc trưng là thiết kế 3 luồng khí thổi qua động cơ. Máy bay phản lực hiện nay có hai dòng khí: một truyền qua lõi động cơ và một vòng qua lõi. Việc phát triển luồng khí thứ ba cung cấp thêm nguồn khí giúp tăng hiệu suất nhiên liệu và vận hành của động cơ.
Trung Quốc và Mỹ sẽ chế tạo hai loại máy bay chiến đấu với khung thân khác nhau, phù hợp cho các vùng địa lý khác nhau. Một loại có khung thân lớn hơn để hoạt động ở khu vực như Thái Bình Dương, nơi bay xa hơn và tải trọng lớn hơn là yếu tố quan trọng. Loại còn lại có khung thân nhỏ hơn để tăng cường sự nhanh nhẹn và linh hoạt ở châu Âu.
Thế hệ máy bay phản lực tiếp theo sẽ có hệ thống trong buồng lái giúp thu thập nhiều thông tin từ máy bay khác, trạm giám sát mặt đất và vệ tinh. Sau đó, hệ thống sẽ tích hợp dữ liệu để cung cấp tình huống tổng quát cho phi công, đồng thời có thể chủ động làm nhiễu cảm biến của kẻ thù. Một trang bị chủ chốt khác sẽ được triển khai là phương tiện chiến đấu trên không không người lái (Ucavs), một dạng drone. Máy bay chiến đấu có thể điều khiển hàng loạt Ucav để hỗ trợ nhiệm vụ.
Đây sẽ là trách nhiệm của buồng lái kỹ thuật số cao cấp, một hệ thống phần mềm sử dụng thực tế ảo, cho phép phi công quản lý trận chiến hiệu quả. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là đặc trưng chủ chốt của hệ thống hỗ trợ dành cho drone. Phi công sẽ giao nhiệm vụ chính như "tấn công máy bay kẻ địch ở khu vực đó" và hệ thống sẽ tiến hành nhiệm vụ mà không cần nạp thêm chỉ thị.
Một thành tựu khác là hệ thống vũ khí, dự kiến sử dụng tên lửa không chỉ có khả năng di chuyển với tốc độ siêu vượt âm mà còn tích hợp tính năng tàng hình. Điều này sẽ giúp giảm bớt thời gian phản ứng của quân địch. Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng như laser cũng đang được nghiên cứu và có tiềm năng xuất hiện ở các giai đoạn sau.
Theo chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Mỹ, Hải quân Mỹ đang phát triển một dòng máy bay phản lực riêng biệt mang tên F/A-XX để bổ trợ cho F-47. Anh, Italy và Nhật Bản cũng tham gia dự án chương trình máy bay chiến đấu toàn cầu (GCAP), để thay thế máy bay Eurofighter Typhoon đang hoạt động ở Anh và Italy cùng Mitsubishi F-2 đang hoạt động ở Nhật Bản. Đức, Tây Ban Nha và Pháp đang làm việc với chương trình hệ thống máy bay chiến đấu tương lai (FCAS) để thay thế các dòng Typhoons của Anh và Tây Ban Nha, và Rafale của Pháp.
Dù con đường phát triển cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đã được vạch ra, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về tính khả thi của một số đặc điểm cũng như thời gian và chi phí phát triển. Một thế hệ mới của máy bay chiến đấu dự kiến sẽ phục vụ trong khoảng 30 năm, nhưng không rõ liệu những yêu cầu thiết kế hiện tại có còn phù hợp trong tương lai hay không.
An Khang (Theo Live Science)