
Nốt đa kim màu đen, có kích thước bằng củ khoai tây nằm rải rác trên đáy biển. Ảnh: 2019 Southeastern US Deep-sea Exploration/Office of Ocean Exploration and Research/NOAA
Đáy biển chứa ba loại mỏ kim loại đã trải qua hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm phát triển: nốt đa kim (nốt mangan), vỏ coban và mỏ sulfide (sulfide đa kim).
Nốt đa kim là những khối lớn tương đương củ khoai tây, hình thành từ sự kết tủa rất chậm của khoáng chất xung quanh những mảnh vụn như răng cá mập hoặc xương tai cá. Được tìm thấy ở độ sâu 4.000 - 6.000 m, đặc biệt là trong Vùng Clarion-Clipperton ở Thái Bình Dương giữa Hawaii và Mexico, những nốt này chủ yếu chứa mangan, sắt, coban, đồng và niken.
Vỏ coban là những khối đá ở độ sâu 400 - 4.000 m, hình thành từ sự tích tụ của kim loại có trong nước biển. Quá trình tách chúng khỏi các tảng đá bên dưới rất phức tạp, và hiện có một khu vực ở tây bắc Thái Bình Dương đã được khám phá. Vỏ coban thường chứa mangan, sắt, coban và bạch kim.
Mỏ sulfide là các mỏ giàu kim loại (chứa đồng, kẽm, vàng, bạc) hình thành xung quanh những "ống khói" phun ra nước giàu kim loại hòa tan. Chúng được tìm thấy ở độ sâu 800 - 5.000 m, gần các sống núi hoặc núi lửa ngầm ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Thế giới quan tâm đến việc khai thác kim loại biển sâu vì coban và niken rất cần thiết trong pin xe điện. Chúng đang được khai thác trên đất liền với chi phí lớn về con người và môi trường, lượng chất thải từ quá trình tinh chế bằng hóa chất cũng rất lớn và độc hại. Ngoài ra, dây cáp điện làm bằng đồng và nhu cầu dây cáp dự kiến tăng vọt do điện khí hóa trong thế kỷ 21.

Hàng nghìn công nhân Congo chen chúc trong một hố khai thác coban. Ảnh: Siddharth Kara
Những người ủng hộ cho rằng việc thu thập nốt dưới đáy Thái Bình Dương sẽ không phá hủy hay khiến đá và núi ngầm sụp đổ thành bụi như với mỏ trên mặt đất. Tuy nhiên, giới khoa học mới chỉ nắm được rất ít thông tin về môi trường biển sâu, nơi đóng vai trò quan trọng giúp lưu trữ carbon và không có hoạt động của con người trong suốt một thời gian dài. Các nhà môi trường lo ngại, hoạt động khai thác có thể làm xáo trộn hoặc phá hủy những hệ sinh thái biển mà con người chưa hiểu rõ.
Theo tổ chức khoa học quốc tế Ocean Census, chỉ 250.000 trong số 2 triệu loài được cho là sinh sống dưới biển đã được xác định. Hoạt động khai thác có thể phá hủy môi trường sống của sinh vật sống trên hoặc gần đáy biển, thay đổi tính chất hóa học của nước biển xung quanh, gây ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng, gây rò rỉ hóa chất từ máy móc và thiết bị. 32 quốc gia trong đó có Brazil, Anh, Canada, Đức và Mexico, đã kêu gọi tạm dừng khai thác biển sâu trong vùng biển quốc tế, theo Liên minh Bảo tồn Biển Sâu.
Hiện chưa có giấy phép sản xuất thương mại nào được cấp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cho hoạt động khai thác biển sâu, dù một số quốc gia đã hoặc đang chuẩn bị thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế. Công nghệ công nghiệp duy nhất được phát triển cho đến nay là để thu thập các nốt.
Nhật Bản có hai hợp đồng thăm dò, trong khi Quần đảo Cook đã cấp phép thăm dò cho ba công ty trong vùng biển của mình và cũng đang hợp tác với Trung Quốc. Na Uy từng dự định cấp giấy phép thăm dò khai thác biển sâu vào năm 2025, nhưng sau đó hoãn đến năm 2026.
Trong vùng biển quốc tế, Cơ quan Đáy Biển Quốc tế (ISA) chịu trách nhiệm cấp phép khai thác biển sâu. Cơ quan này đã cấp phép thăm dò cho một số công ty và quốc gia để thử nghiệm công nghệ, nhưng chưa cấp giấy phép nào cho hoạt động khai thác thực tế.
Đứng giữa những người ủng hộ khai thác và những người ủng hộ tạm dừng, ISA gặp khó khăn trong việc đưa ra một "bộ luật khai thác" được đàm phán từ năm 2014. Công ty Canada The Metals đang mất kiên nhẫn và cho biết, năm nay họ sẽ bỏ qua ISA và chuyển sang Mỹ, nước không thuộc ISA, để bắt đầu hoạt động khai thác.
Thu Thảo (Theo AFP)