Một số con chó sói bị nhà chức trách bắt và đưa tới vườn thú. Ảnh: BBC
Bé gái Sandhyan 4 tuổi đang ngủ ngoài lều cỏ ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ vào tối ngày 17/8 thì cả ngôi làng chìm trong bóng tối khi mất điện. Theo lời kể của mẹ bé là Sunita, những con sói tấn công trong vòng hai phút. Khi họ phát hiện điều gì đang xảy ra, đàn sói đã mang cô bé đi. Thi thể của Sandhya được tìm thấy ngày hôm sau trong một trang trại mía cách nhà cô bé 500 m. Hồi đầu tháng 8, ở ngôi làng lân cận, bé trai Utkarsh 8 tuổi đang ngủ trong màn thì mẹ bé phát hiện một con sói mò vào lều của họ và hét lên. Hàng xóm của họ đổ xô tới khiến con sói bỏ chạy.
Từ giữa tháng 4, một làn sóng tấn công của chó sói gieo rắc kinh hoàng cho khoảng 30 ngôi làng ở quận Bahraich gần biên giới Nepal. 9 đứa trẻ và một người trưởng thành bị chó sói tha đi và giết hại. Nạn nhân nhỏ nhất là bé trai một tuổi và lớn nhất là người phụ nữ 45 tuổi. Ít nhất 34 người khác bị thương.
Nỗi lo sợ và hoảng loạn bao trùm những ngôi làng bị tấn công. Do nhiều nhà trong làng không có khóa cửa, trẻ em bị giữ trong nhà và đàn ông tuần tra các tuyến đường tối vào ban đêm. Nhà chức trách đã triển khai drone và camera, đặt bẫy và sử dụng pháo để dọa chó sói. Tính đến nay, 3 con chó sói đã bị bắt và chuyển tới vườn thú. Những vụ tấn công như vậy nhằm vào con người cực kỳ hiếm gặp và chủ yếu liên quan tới chó sói mắc bệnh dại, một loại bệnh do virus ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương. Chó sói mắc bệnh thường tấn công nhiều lần mà không ăn thịt nạn nhân.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu tự nhiên Na Uy cho biết có 489 vụ chó sói tấn công ở 21 nước, bao gồm Ấn Độ, từ năm 2002 đến năm 2020. Chỉ có 26 trường hợp gây chết người. Khoảng 380 người là nạn nhân của các vụ tấn công từ chó sói mắc bệnh dại. Chỉ có hai trường hợp tử vong liên quan đến chó sói ở Bắc Mỹ được xác nhận trong 50 năm qua, theo Dave Mech, nhà sinh vật học nổi tiếng người Mỹ chuyên nghiên cứu hành vi của chó sói.
Nằm nép giữa một dòng sông và rừng rậm, nhiều nơi tại Bahraich từ lâu là môi trường sống quen thuộc của chó sói. Tọa lạc ở vùng bãi bồi của sông Ghaghara, quận có 3,5 triệu người sinh sống này thường bị ngập lụt theo mùa. Mưa lớn và ngập lụt làm thay đổi đáng kể cảnh quan. Nước sông dâng cao làm ngập các khu rừng, nhiều khả năng thôi thúc chó sói ra ngoài tìm kiếm thức ăn và nước uống. Chó sói Ấn Độ chuyên săn linh dương đen, chinkara và thỏ.
"Biến đổi khí hậu là một quá trình dần dần nhưng ngập lụt có thể làm gián đoạn môi trường sống của chó sói, buộc chúng mò vào nơi định cư của con người để tìm kiếm thức ăn", nhà nghiên cứu Amita Kanaujia ở Viện Khoa học Động vật hoang dã tại Đại học Lucknow, cho biết.
Trong khi nghiên cứu các vụ tử vong của lượng lớn trẻ em do chó sói tấn công tại những ngôi làng ở Uttar Pradesh năm 1996, chuyên gia động vật hoang dã nhận thấy trẻ em ít được trông nom do phần lớn nạn nhân đến từ gia đình đơn thân nghèo khổ, thường chỉ có mẹ. Ở vùng làng quê Ấn Độ nghèo nàn, gia súc thường được bảo vệ kỹ hơn trẻ em. Đối mặt với tình trạng mồi săn tự nhiên sụt giảm và bị hạn chế tiếp xúc với gia súc, trẻ em nhanh chóng trở thành mục tiêu của chó sói đói.
Những vụ tấn công của chó sói hiện nay ở Uttar Pradesh có thể là làn sóng thứ 4 trong 4 thập kỷ. Năm 1981 - 1982, chó sói ở Bihar cướp đi sinh mạng của ít nhất 13 trẻ em. Từ năm 1993 đến năm 1995, 80 trẻ khác bị tấn công, lần này thủ phạm được cho là đàn sói 5 con ở quận Hazaribagh. Thời kỳ chết chóc nhất xảy ra trong 8 tháng năm 1996 khi ít nhất 76 trẻ từ hơn 50 ngôi làng ở Uttar Pradesh bị tấn công, dẫn tới 38 ca tử vong. Số vụ giết chóc chỉ dừng lại khi nhà chức trách giết chết 11 con chó sói.
Jhala và đồng nghiệp Dinesh Kumar Sharma tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ về các vụ chết người năm 1996, kiểm tra thi thể, mẫu lông chó sói, nhà cửa trong làng, mật độ dân cư, gia súc và báo cáo khám nghiệm pháp y. Các cuộc tấn công hiện nay ở Uttar Pradesh rất giống phát hiện của họ từ gần 30 năm trước. Trong cả hai trường hợp, trẻ em đều bị giết chết và ăn thịt một phần, với những vết cắn ở cổ họng và vết rách ở nhiều nơi trên cơ thể. Phần lớn vụ tấn công xảy ra ở ban đêm, khi trẻ em ngủ ngoài trời bị tha đi. Nạn nhân thường được phát hiện giữa bãi đất trống như trang trại hoặc bãi cỏ.
Giống như ở Bahraich ngày nay, đợt tấn công của chó sói năm 1996 xảy ra ở những ngôi làng gần bờ sông, bao quanh là cánh đồng lúa, trang trại mía đường và đầm lầy. Cả hai trường hợp đều liên quan tới các ngôi làng đông đúc, có số lượng lớn trẻ em dễ tổn thương từ gia đình nghèo làm nghề nông, khiến nguy cơ càng tăng lên. Các nhà nghiên cứu chưa rõ những vụ tấn công đang tiếp diễn do một con chó sói hay cả đàn gây ra. Dựa trên 30 năm nghiên cứu chó sói, Jhala tin rằng một con chó sói có thể đứng sau số vụ giết chóc gần đây. Dân làng báo cáo trông thấy một đàn chó sói 5 - 6 con trên cánh đồng vào ban ngày, trong khi mẹ của bé trai Utkarsh 8 tuổi chỉ trông thấy một con sói lẻn vào nhà và tấn công con trai cô.
Trong nhiều thập kỷ, con người và chó sói ở Ấn Độ chung sống hòa bình. Sự đồng tồn tại này cho phép chó sói tồn tại bất chấp xung đột thường xuyên, đặc biệt là đối với gia súc. Tuy nhiên, số vụ tấn công tăng vọt gần đây dấy lên nhiều lo ngại. Các chuyên gia động vật hoang dã như Jhala khuyến cáo trẻ em ở những ngôi làng bị ảnh hưởng nên ở trong nhà, ngủ cùng người lớn và có người lớn đi kèm nếu đi vệ sinh vào ban đêm. Dân làng nên tránh để trẻ em đi lang thang một mình trong vùng chó sói có thể ẩn nấp và bố trí tuần tra đường sá vào ban đêm.
Chó sói Ấn Độ (Canis lupus pallipes) là phân loài của sói xám có phạm vi sinh sống từ Đông Nam Á tới tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng có kích thước trung bình giữa chó sói Himalaya và chó sói Arab và không có bộ lông dày bằng do sống trong điều kiện ấm áp hơn. Loài sói này di chuyển theo đàn nhỏ từ 6 đến 8 con và ít kêu hơn sói xám. Chúng chuyên săn mồi vào ban đêm, từ khi chạng vạng tới bình minh, có tốc độ và sức bền cao, đặc biệt nổi tiếng xảo quyệt. Sói Ấn Độ là một trong số những quần thể sói xám nguy cấp nhất trên thế giới.
An Khang (Theo BBC)