ca-map-theo-doi-5399-1725440631.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Wzvde6RU-yyk1AbDkBIJQw

Cá mập porbeagle được gắn thiết bị theo dõi. Ảnh: Jon Dodd

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Bang Arizona gắn thiết bị theo dõi cá mập porbeagle (Lamna nasus) mang thai và bất ngờ phát hiện nó đã biến mất sau vài tháng. Nhiều khả năng con vật dài 2,2 m này đã bị một kẻ săn mồi lớn hơn tấn công. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science hôm 3/9.

"Đây là trường hợp đầu tiên về cá mập porbeagle bị săn và ăn thịt trên thế giới", Brooke Anderson, tác giả chính của nghiên cứu, cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Bang Arizona, cho biết. Trước đó, nhóm nghiên cứu của Anderson đã gắn thiết bị theo dõi cá mập porbeagle ngoài khơi Cape Cod, bang Massachusetts, Mỹ, để nghiên cứu các kiểu di cư của chúng.

Mỗi con cá mập được gắn hai thiết bị vệ tinh: một bộ truyền phát gắn trên vây và một thiết bị vệ tinh lưu trữ nổi (PSAT). Thiết bị gắn trên vây theo dõi vị trí, trong khi PSAT đo độ sâu và nhiệt độ. Điều thú vị là khi bị tách khỏi cá mập, PSAT sẽ nổi lên mặt nước và tiếp tục truyền dữ liệu.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến một con cá mập mang thai được gắn thiết bị vào tháng 10/2020. Nó thường hoạt động trong vùng nước từ bề mặt xuống đến độ sâu 100 m. Nhưng vào tháng 12/2020, thiết bị cho thấy nó bắt đầu lặn sâu tới 800 m vào ban ngày và khoảng 200 m vào ban đêm. Nó vẫn duy trì hoạt động này khi di chuyển về phía nam, nơi được gắn thẻ, đến vùng biển ngoài khơi Bermuda.

Ngày 24/3/2021, các mẫu nhiệt độ tương ứng với độ sâu đã thay đổi đáng kể. Trong khi trước đó, con cá mập di chuyển qua vùng nước có mức nhiệt 6,4 - 23,52 độ C thì ngày hôm đó, thiết bị theo dõi ghi nhận mức nhiệt 16,4 - 24,72 độ C dù vẫn ở phạm vi độ sâu tương tự.

Nhóm nghiên cứu tin rằng sự thay đổi này cho thấy thiết bị đã nằm trong dạ dày của một con cá mập khác vì nhiệt độ ấm hơn so với mức nhiệt ở độ sâu đó. Dựa trên phạm vi địa lý của những loài cá mập đủ lớn để ăn thịt cá mập porbeagle, họ tin rằng kẻ săn mồi có thể là cá mập trắng (Carcharodon carcharias) hoặc cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrhinchus). Cá mập trắng có khả năng cao hơn do thiết bị theo dõi ghi nhận phạm vi độ sâu ổn định sau khi bị nuốt, trong khi cá mập mako có xu hướng lặn sâu hơn rồi nhanh chóng nổi lên.

Nghiên cứu mới có ý nghĩa quan trọng với quần thể cá mập porbeagle - loài vật nguy cấp do nạn đánh bắt quá mức trong quá khứ. "Chúng ta thường nghĩ cá mập lớn là động vật săn mồi đỉnh cao. Nhưng với tiến bộ công nghệ, chúng ta bắt đầu khám phá ra rằng sự tương tác giữa những kẻ săn mồi lớn có thể còn phức tạp hơn những gì từng nghĩ", Anderson chia sẻ.

Thu Thảo (Theo Live Science, Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022