VNE-Plan-1612-1723632801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xk-z8lOgVOrLYBrJys7AHw

Xác cóc mía được dùng làm mồi nhử cá sấu nước ngọt. Ảnh: Phys.org

Nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Macquarie làm việc với cán bộ lâm nghiệp bản xứ Bunuba và Cơ quan Đa dạng sinh học, Bảo tồn và Giải trí (DBCA) ở Tây Australia để thử nghiệm biện pháp mới nhằm bảo vệ cá sấu nước ngọt khỏi cóc mía xâm hại nguy hiểm đang lan rộng khắp miền bắc Australia, Phys.org hôm 13/8 đưa tin. Cá sấu nước ngọt (Crocodylus johnstoni) là một động vật quan trọng về mặt văn hóa ở địa phương. Sự biến mất của loài động vật ăn thịt này cũng đảo lộn sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái trong vùng.

Nghiên cứu công bố hôm 14/8 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B chỉ ra một biện pháp giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của cá sấu nước ngọt ở khu vực cóc mía xâm hại đầu tiên thông qua dạy chúng cách liên hệ cóc mía với ngộ độc thực phẩm. Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Georgia Ward-Fear đến từ Trường Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Macquarie và đồng nghiệp, giáo sư Rick Shine, ghi lại thử nghiệm thành công biện pháp sinh thái học hành vi gọi là thay đổi khẩu vị có điều kiện (CTA).

Điều phối viên lâm nghiệp người Bunuba Paul Bin Busu và cán bộ lâm nghiệp Kristen Andrews và Karl Bin Busu báo cáo về những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của cá sấu cho chương trình. Sau thử nghiệm can thiệp thành công, Sara McAllister đến từ chương trình kiểm soát cóc mía của DBCA có thể lên kế hoạch mở rộng trong tương lai ở các khu vực có hệ sinh thái tương tự.

Sau khi cóc mía được nhập khẩu từ châu Mỹ vào thập niên 1930, chúng làm chết nhiều động vật bản xứ ở miền bắc Australia, xóa sổ nhiều loài động vật ăn thịt ở địa phương như nhông, rắn và cá sấu nước ngọt. Những loài này là thức ăn quan trọng cho người dân địa trong vùng, đóng vai trò thiết yếu trong môi trường nhưng không có bản năng tự vệ trước cóc mía độc.

Nghiên cứu chủ yếu diễn ra vào tháng 5 tới tháng tháng 10, mùa khô ở phía bắc Australia, nơi hệ thống sông có thể thu hẹp thành hàng loạt ao hồ biệt lập, hỗ trợ ngày càng ít tôm, cá và động vật lưỡng cư trong chế độ ăn thông thường của cá sấu nước ngọt. Theo tiến sĩ Ward-Fear, cá sấu nước ngọt có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi hệ thống sông khô cạn vào cuối mùa khô. Chúng tập trung số lượng lớn với rất ít thức ăn. Khi cóc bắt đầu sử dụng những ao hồ đó để tái cấp ẩm, hai loài tiếp xúc với nhau và nhóm nghiên cứu chứng kiến số lượng lớn cá sấu chết trong vòng vài tháng.

Từ năm 2019 đến năm 2022, tiến sĩ Ward-Fear và giáo sư Shine làm việc với cán bộ lâm nghiệp địa phương và nhân viên DBCA để rải xác cóc khắp 4 hệ thống hẻm núi lớn ở vùng Kimberley phía tây bắc Australia. Bunuba và DBCA thu thập hàng trăm con cóc mía, loại bỏ bộ phận có độc và tiêm vào cơ thể cóc đủ lượng hợp chất gây nôn mửa để cá sấu nước ngọt khi ăn mồi nhử sẽ cảm thấy ốm yếu tạm thời nhưng không tử vong.

Mồi nhử thịt gà không có thêm chất gây nôn mửa được sử dụng để theo dõi hiệu quả huấn luyện đổi khẩu vị có điều kiện. Theo Paul Bin Busu, người chỉ đạo nhóm cán bộ lâm nghiệp đặt hàng trăm mồi nhử dọc bờ sông, trong ba ngày đầu tiên, họ thấy cá sấu chọn cóc mía sau đó bơi đi. Sau đó, chúng đánh hơi cóc mía trước khi ăn. Vào ngày cuối cùng, họ để ý chúng hầu như chọn ăn cổ gà.

Sử dụng khảo sát ban đêm và camera kích hoạt từ xa để theo dõi số lượng cá sấu và cóc mía, nhóm nghiên cứu phát hiện những khu vực diễn ra thử nghiệm đổi khẩu vị có tỷ lệ cá sấu tử vong ít hơn nhiều so với nơi khác.

An Khang (Theo Phys.org)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022