nguoi-phu-nu-38-tuoi-vao-vien-duong-lao-o-sau-khi-kiet-suc-v-1723342700.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FEno4gCGV4Q3eON5el1ZnQ
Người phụ nữ 38 tuổi vào viện dưỡng lão ở sau khi kiệt sức vì công việc

Cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ 38 tuổi ở viện dưỡng lão Yisenlin, thành phố Cát Lâm. Video: Youtube

Sau 11 năm làm biên kịch trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình với lịch trình bận rộn, khối lượng công việc khắc nghiệt, Yang bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Đầu năm nay, cô đổ bệnh và phải nhập viện. Các bác sĩ khuyên Yang nên nghỉ ngơi, thư giãn nếu không muốn gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người phụ nữ 38 tuổi quyết định sống chậm lại.

Do bố mẹ đều đã qua đời, không còn người thân nào, Yang bắt đầu tìm kiếm một nơi mà cô vừa có thể thư giãn vừa hồi phục. Trong khi lướt web, cô đọc được về một nhà dưỡng lão và cuộc sống yên bình, nhịp sống chậm rãi ở đó. Yang quyết định đến đây trải nghiệm.

vdl1-5443-1723343273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a4lVsgMVY9TDTRUxCYKzwA

Một bữa cơm của Yang trong viện dưỡng lão. Ảnh: Douyin

"Có hai lý do khiến tôi chọn viện dưỡng lão thay khách sạn. Đầu tiên, tôi rất tò mò về viện dưỡng lão và muốn xem nó như thế nào, liệu có nhàm chán như mọi người vẫn nói không. Thứ hai, vì tôi bị bệnh nên tôi hy vọng có một nơi để nghỉ ngơi, được chăm sóc y tế cơ bản và ăn uống lành mạnh", Yang chia sẻ với 6Park News.

"Tôi thường thức khuya làm việc và ngủ không ngon giấc. Tôi từng phải nằm viện một tháng do làm việc quá sức. Sau đó, tôi muốn trải nghiệm sống tốt hơn, chậm hơn và một nơi để hồi phục. Công việc và thời gian nghỉ ngơi của tôi hiện tại rất đều đặn. Tôi đi ngủ khoảng 21h, dậy rất sớm vào buổi sáng. Tôi đọc sách, viết tiểu thuyết và viết hồi ký cho người già mỗi ngày. Ở trong viện này, tôi không hề thấy cô đơn hay buồn chán", Yang nói thêm.

Trong ba tháng ở viện dưỡng lão cùng những người đều từ 102 tuổi trở lên, Yang cho biết cô đã có được một góc nhìn mới về cuộc sống. Người phụ nữ 38 tuổi thích nghi với nhịp độ chậm rãi của nơi ở tạm thời và thích dành cả ngày để đọc, viết, nói chuyện với những cư dân khác. Cô cũng học được cách không nghĩ quá nhiều về tương lai và chỉ trân trọng từng ngày còn sống.

vdl2-1415-1723343273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-SBPzvPib9Y_JkDN3HeXSA

Một trong những video về cuộc sống hàng ngày của Yang. Ảnh: Douyin

Khi được hỏi liệu có định ở lại viện dưỡng lão hết đời hay không, Yang cho biết cô sẽ rời đi, nhưng chưa biết chính xác là khi nào. Hiện tại, Yang vẫn tận hưởng sự yên bình, tĩnh lặng ở Viện dưỡng lão Yisenlin, thành phố Cát Lâm. Thêm vào đó, cô đang giúp một trong những cư dân cao tuổi ở đó viết hồi ký. Việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian nên Yang không có kế hoạch ra viện sớm.

Trải nghiệm sống trong viện dưỡng lão của Yang đã lan truyền rộng rãi sau khi cô bắt đầu đăng các video về cuộc sống hàng ngày lên Douyin, thu hút sự chú ý hơn cô tưởng. Yang chưa bao giờ nghĩ mọi người sẽ thấy thú vị với câu chuyện của cô nhưng hóa ra cô lại ngập trong những câu hỏi đến từ những người thậm chí còn trẻ hơn mình về viện dưỡng lão.

Nhiều người cho biết họ được truyền cảm hứng từ trải nghiệm của Yang. Một số khác coi câu chuyện của cô như một tiếng chuông cảnh báo về văn hóa làm việc quá sức ở Trung Quốc khiến mọi người kiệt quệ ở độ tuổi quá trẻ.

Tùng Anh (Theo ODD)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022