Thực tế, tủ lạnh chỉ có thể làm chậm quá trình hư hỏng của thực phẩm chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn. Dưới đây là những lưu ý về thời gian bảo quản và cách sử dụng tủ lạnh hiệu quả.
1. Thịt
Thịt sống là thực phẩm thường xuyên được bảo quản trong ngăn đông. Ở nhiệt độ thấp, vi khuẩn và vi sinh vật trên thịt sẽ không hoạt động, giúp kéo dài thời gian tươi ngon. Tuy nhiên, thịt chỉ có thể bảo quản trong khoảng 3 ngày ở ngăn mát. Sau 3-6 ngày, màu sắc và mùi của thịt sẽ thay đổi. Sau 6 ngày, thịt bắt đầu hư hỏng rõ rệt, và sau 12 ngày, thịt sẽ hoàn toàn không thể sử dụng được.
Ăn thịt sống đã hỏng có thể gây ra các triệu chứng như sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí viêm đường tiêu hóa.
2. Trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả thường được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng chúng cũng dễ bị hư hỏng do nhiệt độ tủ lạnh không đủ để ức chế hoàn toàn vi khuẩn. Một số loại trái cây như táo, lê, nho có thể giải phóng ethylene, chất làm chín, khiến các loại rau quả khác nhanh hỏng hơn. Thời gian bảo quản phổ biến với một số loại hoa quả như sau: Dưa hấu (3-4 ngày), lê (3-5 ngày), nho (5-7 ngày), cherry (5-7 ngày), táo (4-6 tuần). Với rau củ: Rau lá xanh (1-4 ngày), bông cải xanh (3-5 ngày), măng tây (3-4 ngày), bắp cải (1-2 tuần).
Thực phẩm để trong tủ lạnh cũng có hạn sử dụng. Ảnh minh họa
3. Đồ uống
Đồ uống đóng chai chưa mở có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh. Tuy nhiên, sau khi mở nắp, đồ uống như nước ngọt hoặc sữa cần được sử dụng nhanh chóng. Ví dụ, nước ngọt đã mở chỉ nên dùng trong vòng 1-3 ngày, trong khi sữa có thể bị hỏng sau khoảng một tuần.
Sữa hỏng có thể tạo thành chất độc gây tiêu chảy nếu vô tình uống phải.
4. Hải Sản
Hải sản rất dễ hỏng và cần được bảo quản trong ngăn đông. Các sản phẩm hải sản thường chứa vi khuẩn tương tự Salmonella, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Cá và động vật có vỏ sống cần được chế biến đúng cách trước khi bảo quản trong tủ đông; cua cũng cần được làm sạch trước khi cho vào tủ lạnh để ngăn vi khuẩn, virus hoặc các chất có hại trên chúng lây lan sang các thực phẩm khác.
Bảo quản thực phẩm đã nấu chín hoặc thực phẩm có mùi mạnh trong hộp hoặc túi hút chân không. Ảnh minh họa
Lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sau Tết:
- Kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh, đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh luôn ở mức phù hợp (ngăn mát khoảng 4°C, ngăn đông -18°C).
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, tránh để quá nhiều thực phẩm gây cản trở lưu thông khí lạnh.
- Cho thực phẩm vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
- Sử dụng hộp đựng kín hoặc túi bảo quản cho thực phẩm đã nấu chín hoặc có mùi mạnh.
- Cắt nhỏ thực phẩm trước khi đông lạnh để tránh phải rã đông nhiều lần.
- Bảo quản thực phẩm sống và chín riêng biệt, tuân thủ nguyên tắc "chín ở trên, sống ở dưới".
Phạm Linh (Theo Sohu)