Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Nam Định, phở Hà Nội và mì Quảng.

IMG-0290-1570-1689847361-6486-4019-3479-1723479257.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KJJTdE1qlDFPLel5ksT1mA

Phở cụ Tặng nổi tiếng ở Nam Định. Ảnh: Thùy Linh

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào các món ăn này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Nam Định và Hà Nội là hai địa phương nổi tiếng nhất với món phở.

Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định, khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng. Nhiều người con thành Nam đã mang những bí quyết gia truyền nấu phở đi khắp mọi miền đất nước.

pho-bo-khoi-hoi-11-1719237298-7548-1723479257.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yXKvT_0ZvwziszFm-0jWGQ

Phở Khôi Hói phố Hàng Vải - một trong những quán phở ngon nhất tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh

Còn với người Hà Nội, từ lâu, phở trở thành một nét văn hóa không thể tách rời, thậm chí còn đi vào thi ca, điện ảnh. Không phải món ăn truyền thống, phở chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ trước nhưng đã nhanh chóng chiếm được trái tim của những thực khách sành ăn đất kinh kỳ. Món phở bò có nhiều giả thiết về nguồn gốc xuất xứ, có quan điểm cho rằng xuất phát từ món ngưu nhục phấn của ẩm thực Quảng Đông, có quan điểm lại nhận định phở bò có điểm tương đồng với món bò hầm kiểu Pháp pot-au-feu. Số khác lại nhận thấy phở bò có thể bắt nguồn từ món xáo trâu của người Việt, sau đó được cải biến để trở thành phiên bản như ngày nay.

Tinh túy của món phở bò truyền thống nằm ở phần nước dùng, được ninh từ xương ống bò và một số gia vị. Xương phải được rửa sạch, chần với nước cho bớt hôi và cặn bẩn, sau đó đun với gừng nướng, hành củ nước rồi liên tục hớt bọt đến khi nước trong, không còn cặn.

Hương vị thơm ngon của nước dùng chủ yếu do các loại gia vị quyết định như quế, hồi, thảo quả, gừng, đinh hương, hạt ngò gai, quế thanh, hành khô, tôm nõn, đuôi bò, tôm he... Phần thịt bò cũng có nhiều lựa chọn như nạm, gầu, lõi rùa, phở tái, phở chín, tái lăn, tùy theo khẩu vị mỗi người.

mq2-8877-1590484044-6260-1723479258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TxeZtrTrm4iC-fnV9RREEw

Món mì Quảng thịt gà. Ảnh: Lê Nguyên

Bên cạnh hai món phở, mì Quảng cũng xuất hiện trong danh sách lần này. Món ăn này không chỉ ngon miệng mà còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Sợi mì Quảng thường dày hơn các loại mì khác, có màu vàng óng ánh và có độ dai vừa phải.

Nước dùng được hầm từ xương ống, tôm, thịt, tạo nên hương vị ngọt thanh, đậm đà. Đặc biệt, nước dùng này còn được nêm nếm kỹ càng với các loại gia vị như nghệ, tỏi, ớt, tạo nên màu sắc vàng đặc trưng và hương vị thơm ngon khó quên. Topping khá phong phú như thịt gà, thịt heo, tôm, trứng cút, đậu phộng rang, rau sống và bánh tráng nướng giòn. Hiện nay, không chỉ phố biến ở xứ Quảng, mì Quảng đã xuất hiện ở cả ba miền.

Nguyên Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022