Những năm gần đây, ngành du lịch Hải Phòng trở nên nổi bật nhờ các foodtour khám phá ẩm thực đất Cảng. Các trang thông tin chính thống của chính quyền thành phố cũng thường xuyên cập nhật, hướng dẫn, giới thiệu những món ăn ngon, địa chỉ uy tín cho du khách phương xa.

Ốc

Nhắc tới Hải Phòng là nói tới các quán ốc vừa ngon vừa rẻ. Ốc Hải Phòng được chế biến phù hợp khẩu vị trong Nam ngoài Bắc, như xốt trứng muối, hấp mẻ, hấp Thái. Đặc biệt, khi đến Hải Phòng, bạn nhất định phải thử các món ốc hút. Khi ăn, thực khách phải sử dụng thêm các dụng cụ như kìm để bấm vỡ một đầu vỏ, sau đó dùng miệng hút đầu kia để lấy ốc.

Địa chỉ tham khảo:

- Lan Ốc: 74 Đình Đông - Quán cô Lời: 131 Miếu Hai Xã - Ốc cô Giang: 122A Hùng Duệ Vương - Ốc Online: 52 Dân Lập

Bún cá cay

503d359f-8f6b-4a1b-a66b-d701df-9984-7821-1747046753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pNiif9FAKHs_ezXBbi9UwA

Bún cá cay nổi tiếng ở Hải Phòng. Ảnh: Nguyên Chi

Bún cá cay là một trong những món ăn đặc trưng nhất ở Hải Phòng. Bát bún có cá rán, lòng cá basa xào giòn sật, lòng dồi cá, chả cá thu, ăn kèm tương ớt và rau sống. Nước dùng ngọt thanh, đậm đà được ninh nhừ từ hải sản, thêm vị chua chua của dứa và hơi cay cay của nước xốt.

Địa chỉ tham khảo:

- Bún cá cay cô Thúy: 38 Phạm Tử Nghi - Bún cá cay cô Hường: 36 Nguyễn Công Trứ - Bún cá cay Cổng Cảng: 1 Lê Thánh Tông - Bún cá Miền Duyên Hải: 227 Văn Cao

Bánh bèo

Món bánh bèo Hải Phòng không giống bánh bèo ở miền Trung mà hao hao bánh giò. Thay vì ăn kèm nước mắm hay tương ớt, người Hải Phòng ăn chung với một bát nước dùng đậm vị xương, thêm chả viên, chả quế, hành phi và rau mùi.

Địa chỉ tham khảo:

- Quán cô Mì: 59 Phạm Phú Thứ - Quán chị Phượng: 9/213 Thiên Lôi - Quán bà Dung: 41 Lê Đại Hành - Quán chị Hà: 170A Chùa Hàng

Bánh mì cay

Du khách tới Hải Phòng thường chọn mua bánh mì cay hay còn gọi là bánh mì que. Chiếc bánh mì nhỏ xinh chỉ bằng hai ngón tay, dài hơn một gang tay, bên trong chỉ gồm có lớp pate mỏng nhưng béo ngậy, thơm, chấm với chút tương ớt chí chương mới chuẩn bài. Người Hải Phòng thường ăn bánh mì que vào bữa sáng hay ăn nhẹ lót dạ.

Địa chỉ tham khảo:

- Bánh mì Ông Cuông: 184 Hàng Kênh - Ông già Khánh Nạp: 181 Hàng Kênh - Bành mì Ông Bà Cụ: 244 Hai Bà Trưng - Tiệm Hà Bếu: 71 Lương Khánh Thiện

Bánh đa cua

Bánh đa cua có lẽ là món ăn phổ biến nhất ở Hải Phòng, có thể bắt gặp món ăn này ở mọi ngóc ngách tại đất cảng. Nước dùng ngọt đậm vị cua đồng, ăn một lần nhớ mãi. Loại bánh đa truyền thống có màu đỏ, dai ngon, ăn kèm nhiều loại topping, trong đó không thể thiếu chả lá lốt, đậu phụ rán, tôm, chả cá, rau cần, giá đỗ, hành phi, một số nơi còn có cật lợn, bề bề.

Địa chỉ tham khảo:

- Cô Lợi: 98A Trần Nhật Duật - Cô Thu: 297A Lê Lợi - Ngõ Lửa Hồng: 19/143 Tôn Đức Thắng - Chú Dũng: 141/173 Hàng Kênh

413b280d-0e35-4a89-9d37-61ebf9-1668-8141-1747046753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UUZkqGomQkvgeioxLLazrw

Bánh đa cua ngõ Lý Tiêm. Ảnh: Nguyên Chi

Nem cua bể

Nem cua bể Hải Phòng được gói hình vuông nên còn có tên gọi khác là nem vuông hay nem vuông hải sản. Phần nhân bên trong khá chất lượng với cua bể tách thịt, trứng gà, thịt lợn nạc, tôm, nấm hương, mộc nhĩ và các loại rau củ quả khác. Không chỉ ăn tại chỗ, nhiều khách mua loại cấp đông mang về làm quà.

Địa chỉ tham khảo:

- Nhà hàng Thuận Yến: 88 Trần Nhật Duật - Bún chả Phương Mai: 87 Cát Cụt - Nem cua bể Nga: 92 Trần Nhật Duật - Quán Bà Cụ: 179 Cầu Đất

Bánh đúc tàu

Món ăn này có xuất xứ từ những người gốc Hoa sống ở Hải Phòng trước đây nên mới có tên gọi là bánh đúc tàu. Thành phần chính vẫn là loại bánh đúc lạnh màu trắng truyền thống nhưng đanh hơn. Thay vì có lạc bên trong và được chấm tương thường thấy, món ăn này chan với nước dùng vị ngọt, thêm chút đu đủ thái hạt lựu, thịt ba chỉ và tôm rang đậm đà.

Địa chỉ tham khảo:

- Cô Chuyền: 159 Hai Bà Trưng - Cô Mến: đối diện số 18A Miếu Hai Xã - Bà Hạnh: 114 Cầu Đất - Bà Yến: Chợ Máy Đá

dc82423d-653e-4927-81d2-d1a706-5008-2664-1747046753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KFSDDdM22-eF8hcInVNWLQ

Bánh đúc tàu cô Chuyền (Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyên Chi

Cà phê cốt dừa

Cà phê cốt dừa được làm từ bột cà phê trộn nhuyễn với nước cốt dừa và thêm sữa đặc, sau đó đánh đều tạo thành hỗn hợp sệt. Tùy sở thích của khách hàng, chủ quán cho thêm nhiều loại topping như sương sáo, hạt trân châu, dừa tươi nạo sợi, dừa khô.

Địa chỉ tham khảo:

- Quán cô Hạnh: 130 Lam Sơn - Quán cô Hằng: 124A Lam Sơn - Bruce Lee: 72 Lạch Tray

Lẩu canh củ

Canh củ được chế biến từ nguyên liệu chính là củ canh. Loại củ này còn có tên gọi khác như củ đầu (loại củ to tròn), củ cọc (loại củ dài) hay khoai mỡ. Người Hải Phòng thường nấu củ canh với hải sản như tôm, cá các loại hoặc thịt lợn, tạo thành thứ hỗn hợp có độ sánh, sền sệt như cháo gọi là canh củ. Món này có thể ăn không, chan cùng cơm hoặc nấu lẩu.

Địa chỉ tham khảo:

- Hạnh Bia: 2B Bạch Đằng - Tâm Lý Bò Nướng: 236 Vũ Trọng Khánh - Phủi Quán: 9 Nguyễn Khuyến - Bình Đàm Quán: 1U Chương Dương

Dừa dầm

Món ăn chỉ có dừa non, dừa nạo, trân châu, thạch, sữa đặc, cốt dừa, dầm với đá bào nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Những năm gần đây, dừa dầm trở thành đặc sản của ẩm thực Hải Phòng, được nhiều người "xách tay" lên Hà Nội bán.

Địa chỉ tham khảo:

- Hiền Béo: 124 Lạch Tray - Nước ép Bắc Béo: 7 Chợ Con - Cô Vinh: 41 Đông Khê - Cô Thủy: sân Coopmart Ngã 5

Sủi dìn - Chè vừng

b98526f5-883e-44b5-87a6-27c383-5705-3070-1747046753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pIR-OlFhWbgtlLOJyT8ChA

Sủi dìn Hải Phòng thích hợp ăn vào mùa đông. Ảnh: Phong Kiều

Sủi dìn gần giống với bánh trôi tàu ở Hà Nội. Viên bánh nhỏ xinh, được nặn và luộc tại chỗ. Nhân bùi béo vì có vừng đen, lạc rang giã nhỏ và cùi dừa nạo. Nước dùng sủi dìn có hương vị thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt.

Địa chỉ tham khảo:

- Quán cô Út: 161 Cầu Đất - Quán cô Oanh: 65 Đinh Tiên Hoàng - Sủi dìn – Chè vừng: 34 Kỳ Đồng - Thủy Chè: 234 Trần Nguyên Hãn

Trà cúc

Trà cúc xuất hiện ở nhiều nơi trong thành phố, là nơi người dân đất Cảng tụ tập, trò chuyện và thưởng thức. Một cốc trà có vị đắng nhẹ của hoa cúc, vị ngọt thơm của những lát cam thảo và vị chát của trà.

Địa chỉ tham khảo:

- Trà cúc Diamond: 33 Minh Khai - Trà cúc Hoa Vàng: 24 Trần Hưng Đạo - Trà cúc cô Lý: 15 Lán Bè - Trà cúc Đậm: 9 Ký Con

Chả chìa Hạ Lũng

Để làm món này, người ta chẻ nhỏ dẻ mía rồi chia làm hai phần. Phần trên dẻ mía, người ta bao quanh lớp thịt lợn nạc xay nhuyễn cùng với mực khô đã được tẩm ướp gia vị, còn đoạn mía ở phần dưới bỏ ngỏ và làm tay cầm khi ăn chả.

Địa chỉ tham khảo:

- Chả chìa bác Hoạt: 130 Chợ Lũng - Chả chìa Trần Cương (bán online)

Bánh Katka

Bánh Katka Hải Phòng thực chất là món bánh bông lan bơ, có nguồn gốc từ Pháp, du nhập vào Hải Phòng và là món ăn "gây nghiện" cho những tín đồ mê bánh.

Địa chỉ tham khảo:

- Số 53 Lương Khánh Thiện - Số 3 Lê Thánh Tông

Chuỗi hoạt động Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025 gồm nhiều hoạt động như lễ diễu hành sáng 13/5. Các khối diễu hành xếp đội hình từ đường Trần Hưng Đạo, sau đó di chuyển qua Nhà hát thành phố, quận Hồng Bàng. Lộ trình tiếp theo là các tuyến đường Quang Trung - tượng nữ tướng Lê Chân - Trần Phú, với tổng chiều dài khoảng 2 km.

Tối 13/5, thành phố tổ chức bắn pháo hoa ở 6 điểm vào lúc 21h40. Ba điểm bắn pháo hoa tầm cao là khu vực Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (TP Thủy Nguyên), khu bờ Hồ An Biên (quận Ngô Quyền), khu Công viên và Quảng trường khu Đô thị Vinhomes Vũ Yên (TP Thủy Nguyên). Ba điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm Khu vực sân sau Nhà hát thành phố (quận Hồng Bàng), Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh và Sân vận động huyện Tiên Lãng.

Nguyên Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022