trich-truong-ca-tinh-tuy-bat-nha-ba-la-mat-da-1746673303.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M6_At_6ZbpU1gN4r57211A
Trích trường ca "Tinh túy bát nhã ba la mật đa"

Trích tiết mục trường ca "Tinh túy Bát nhã ba la mật đa". Video: YouTube Phật sự Online TV

Phát biểu mở màn chương trình âm nhạc giao lưu văn hóa Phật giáo quốc tế tối 7/5, hòa thượng Thích Thọ Lạc, trưởng Ban Văn hóa Đại lễ Vesak 2025, cho biết sự kiện là lời mời gọi bạn bè quốc tế cùng cảm nhận một Việt Nam hài hòa, sâu sắc - nơi từng giai điệu cất lên mang theo thông điệp của sự tỉnh thức, yêu thương.

Trong ba giờ, đêm nhạc kết nối những bản trường ca, hát tụng, nhạc kịch và múa. Các bài hát đan xen phần trình diễn nghệ thuật, thể hiện tinh thần từ bi, buông bỏ, chuyển hóa nội tâm và lan tỏa hòa bình. Nét đẹp Phật giáo hòa cùng tình yêu quê hương đất nước qua những ca khúc giao hưởng và dân tộc kết hợp. Cải lương - giai điệu đặc trưng của miền Nam hay câu hò của miền Trung cũng xuất hiện trong bản trường ca Tinh túy Bát nhã ba la mật đa ở phần mở màn, được khán giả hưởng ứng.

Ở phần một, tinh thần sống "tốt đời, đẹp đạo", thể hiện tấm lòng với đấng thế tôn ra đời trải dài qua những tác phẩm Bài ca Vesak (lời thơ: hòa Thượng Thích Thọ Lạc, nhạc: Minh Đạo) qua phần thể hiện của Lê Việt Anh, Đất mẹ (lời: Hải Đăng, nhạc: Nguyễn Tài Tuấn) của Minh Chuyên, Cuộc đời Đức Phật (nhạc và lời: Thích Nhật Từ) với tiếng hát của Quách Tuấn Du, Tuyết Nhung, Thiêng Ngân, Trung Tín, Trường An. Hồ Quỳnh Hương gây xúc động khi biểu diễn Cõi thiêng (lời: Thi Sảnh, nhạc: Đỗ Hòa An) với giọng hát nội lực.

NSƯT Việt Hoàn, Đăng Dương, ca sĩ Phạm Trang thể hiện Đất nước trọn niềm vui, cùng dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM, dàn nhạc dân tộc Phù Đổng, dàn hợp xướng Sài Gòn Choir. Tác phẩm thể hiện sự hào hùng của dân tộc ở thời bình.

san-khau-1-1746671803-6351-1746673622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2ov7NAKZvZnFx_IvQfmPyA

Toàn cảnh sân khấu chương trình âm nhạc giao lưu văn hóa Phật giáo quốc tế. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Những tiết mục Phật giáo Việt Nam và quốc tế được thể hiện ở phần hai, mang màu sắc đặc trưng của mỗi nước cùng tinh thần hữu nghị, hòa hợp.

Nhóm Nghệ Thuật Âm Nhạc Phật Giáo Trung Quốc hát tụng Mây lành hội tụ Phật Quang tỏa sáng khắp muôn nơi. Đoàn nghệ thuật văn hóa Phật giáo đến từ Hàn Quốc tái hiện hành trình giác ngộ của hoàng tử Tất Đạt Đa ở vở nhạc kịch Đức Phật thành đạo. Đoàn nghệ thuật vương quốc Campuchia trình diễn điệu múa trong các nghi lễ - Rem Eyso Moni Mekhala. Màn múa trống Samulnori và múa quạt Buchaechum do Đoàn nghệ thuật trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc thể hiện trong tiết mục Ngân vang giai điệu hòa bình.

san-khau-2-1746671854-8908-1746673622.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6QwgVr3VugkJ3E4YcZivlQ

Nhóm Nghệ Thuật Âm Nhạc Phật Giáo Trung Quốc trình diễn trong chương trình. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Chương trình được dàn dựng quy mô với sân khấu hình tròn, sử dụng nhiều hiệu ứng mỹ thuật tạo hình ảnh đẹp mắt. Ở kịch múa Cuộc đời Đức Phật của Đoàn nghệ thuật văn hóa Ấn Độ, hình ảnh Đức thế tôn với hào quang tỏa sáng trên màn hình khiến người xem ấn tượng.

Đêm nghệ thuật do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện, có sự tham dự của Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Dương Ngọc Hải, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (ICDV) PhraBrahmapundit và hàng nghìn tăng ni, Phật tử, đại biểu của Đại lễ Vesak 2025 từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hoàng Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022