18335701914710968499491367989654759704603864n-17340682381411595330148.jpg

Một show nhạc của Noo Phước Thịnh do Mây Lang Thang tổ chức ở Đà Lạt - Ảnh: MLT

Những năm vừa qua, Đà Lạt có những chương trình đa dạng như Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam, Chương trình âm nhạc cổ điển tại Phố Bên Đồi, chương trình biểu diễn âm nhạc thường xuyên tại các tụ điểm như Mây Lang Thang, Lululola; Nhà hát Dalat Opera House, Trại hè Âm nhạc Slide on Strings, Chương trình hòa nhạc Ghibli Show - Dàn nhạc giao hưởng IPO…

Để Đà Lạt giữ vững các cam kết và thực sự là một thành viên tích cực trong mạng lưới UCCN với vai trò là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, TP Đà Lạt cần chiến lược và kế hoạch thực thi theo các cam kết trước đó.

Điểm yếu về đào tạo

Trong đó giáo dục là vấn đề cần thiết nhất cho sự phát triển bền vững của Đà Lạt. Một điểm yếu hiện tại đó là hiện Đà Lạt chưa có trường/khoa đào tạo ngành âm nhạc chính quy.

Ở giai đoạn ban đầu, trong bối cảnh chưa triển khai được mô hình trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, có thể kêu gọi sự hợp tác của các đơn vị uy tín sẵn có và với các chuyên gia độc lập, các tổ chức tư nhân có uy tín trong nước.

Đồng thời củng cố mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức định kỳ các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mang tính giáo dục - cảm thụ âm nhạc, cảm thụ nghệ thuật dành cho cộng đồng.

Chẳng hạn các hội thảo khoa học, chuỗi workshop, talkshow hằng tháng theo nhiều chủ đề khác nhau cũng như các trại hè âm nhạc, các khóa học chuyên sâu hơn dành cho đối tượng bán chuyên và chuyên nghiệp.

Qua đó khẳng định vị thế và sự uy tín của thành phố trong việc dấn thân vào các hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao.

Dựa vào lợi thế thiên nhiên và sự hỗ trợ tổ chức từ chính quyền, thành phố cũng có thể tổ chức các chương trình lưu trú, trại sáng tác.

Một việc khác cũng cần làm đó là quảng bá âm nhạc cổ điển và các thể loại âm nhạc không lời khác thông qua các kênh nghe nhìn chính thống của địa phương, phát định kỳ tại các địa điểm công cộng.

Mục đích tăng nhận diện cho thành phố âm nhạc và tăng sự tiếp xúc thụ động đến người dân bản địa, thúc đẩy xây dựng ý thức về việc tiếp nhận giáo dục âm nhạc cởi mở hơn cho giai đoạn kế tiếp.

Tuy nhiên Đà Lạt cần chiến lược dài hơn hơn. Ở giai đoạn 2 (từ năm 2025 - 2027) có thể triển khai kế hoạch thành lập trung tâm giáo dục và phát triển âm nhạc chính quy - chất lượng cao, xây dựng không gian bảo tàng âm nhạc của thành phố.

dscf0377-17340681045521709122381.jpg

Đà Lạt nên tổ chức thường niên nhiều hoạt động âm nhạc hơn nữa - Ảnh: NVCC

Điểm yếu về biểu diễn

Hiện Đà Lạt chưa có các hoạt động âm nhạc quy mô lớn mang tính đại diện cho thương hiệu địa phương, mang tầm quốc gia/quốc tế như ở các thành phố khác (như Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, TP.HCM).

Một giải pháp có thể xem xét đó là kêu gọi sự đồng hành của thành phố và các đơn vị bảo trợ để tổ chức những sự kiện quy mô lớn, tích hợp nhiều yếu tố có sức lan tỏa và thu hút cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Tổ chức một số mô hình như các lễ hội âm nhạc thường niên: Festival âm nhạc quốc tế Lang Biang (tham khảo Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô hoặc Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa), triển lãm, trình diễn âm nhạc/hòa nhạc quy mô lớn, hội thảo về ngành công nghiệp âm nhạc - văn hóa cùng các nghệ sĩ, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp...); festival âm nhạc kết hợp với festival hoa để kích cầu du lịch; festival âm nhạc cổ điển, Chamber music (hòa tấu thính phòng)…

giao-3-1734068417198708538366.jpg

TP Đà Lạt là thành phố âm nhạc đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: NVCC

Ngoài ra có thể tổ chức các cuộc thi âm nhạc (cuộc thi hát, tìm kiếm tài năng nhạc trẻ, cuộc thi âm nhạc cổ điển như piano) cấp độ quốc gia/quốc tế cho các đối tượng bán chuyên/chuyên nghiệp; các giải thưởng, kết nối với mạng lưới âm nhạc quốc tế uy tín và đề xuất hợp tác tổ chức các cuộc thi quốc tế và festival tại Đà Lạt.

Lập quỹ phát triển tài năng trẻ, hỗ trợ các sáng kiến địa phương, các dự án âm nhạc mang tính bền vững cho cộng đồng địa phương cũng là việc cần.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022