img6540-copy-1532090841161505650377.jpg

Tình trạng cho thả rông không rọ mõm vẫn xuất hiện nhan nhản trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Chí cường

Bức xúc vì làm theo phong trào rồi thôi

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bé gái 8 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng người nhợt nhạt, sốc do mất máu nghiêm trọng, bị nhiều vết thương trên đầu và vùng thái dương. Mặc dù được các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu, nhưng chỉ ít giờ sau đó, bé gái đã tử vong. Theo gia đình nạn nhân, vì đang mải dọn dẹp nhà cửa, mẹ cháu bé đã bất cẩn không để ý, bé gái mới 8 tháng tuổi tiến đến gần con chó ngao Tây Tạng và dẫn đến sự việc đau lòng như trên. Mặc dù là chó của nhà nuôi, nhưng sau khi phát hiện và lao đến cứu con gái, mẹ cháu bé cũng bị con chó này tấn công vào cánh tay.

Sau sự việc đau lòng này lần nữa dự luận lại dậy sóng với tình trạng chó thả rông, không rọ mõm đi lại ngênh ngang trong chốn công cộng. Ông Đỗ Đặng Minh (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn: “Trước đây, Hà Nội và TPHCM từng vào cuộc rất quyết liệt đối với việc thả rông chó nhưng chỉ được thời gian ngắn - kiểu làm theo phong trào rồi thôi. Mặc dù đã có rất nhiều chia sẻ về những vụ chó tấn công người tử vong nhưng bài học rút ra rồi lại để nguyên đó. Nhiều nước trên thế giới quy định rất nghiêm ngặt và xử phạt rất nặng về tình trạng nuôi thú cưng, đeo rọ mõm trước khi ra nơi công cộng. Ở Việt Nam, quy định thì có, nhưng thực hiện chưa nghiêm. Chỉ có số ít chó đeo rọ mõm, còn phần lớn để tự do gây khiếp đảm cho người đi đường. Chó bản tính hung dữ, nuôi vì đam mê, vì thích thì phải tôn trọng luật pháp”.

Anh Lê Minh Tuấn (35 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) kể lại: “20 năm trước, tôi đi chơi ngoài đường cũng bị chó cắn, nhưng rất may xử lý kịp thời. Bây giờ mỗi lần đi bộ ra công viên, nhìn thấy chó chạy ngang qua không rọ mõm, thậm chí có con còn đến gần người mình hít hít mà tôi nổi da gà. Người qua đường thì sợ, vậy mà chủ chó cười bảo: “Nó không cắn đâu”. Nhưng họ lấy gì để đảm bảo điều đó ngoài câu nói cửa miệng. Có quá nhiều chuyện đau lòng rồi, giờ ai nuôi động vật không tuân thủ quy định cứ bắt chó tịch thu rồi phạt chủ thật nặng may ra mới thay đổi được tình hình”.

Tương tự, chị Phạm Thị Sáng (ở Yên Sở, Hà Nội) cũng ớn lạnh khi nói đến việc chó tấn công người: “Cuối tuần trước, tôi với người yêu đi dạo ở công viên thì thấy đàn chó 5 con tiến về phía chúng tôi. Khi đó tôi như hết hồn nhưng vẫn cố áp dụng bài học là đi từ từ để tỏ ra không sợ nó. Cũng may là chúng chỉ đi theo khoảng 200m rồi thôi”.

Chế tài chưa đủ mạnh?

bs-khanh-copy-1532090841158935848551.jpg

TS.BS Lê Việt Khánh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Từ những sự việc đau lòng như trên, nhiều ý kiến đã thẳng thắn đề nghị UBND TP Hà Nội cần siết chặt hơn nữa trong việc “y án” các quy định hiện hành về thả rông động vật. Bởi đây là cơ sở để các gia đình có vật nuôi phải có trách nhiệm với xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.

Anh Trương Nhật (ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Đã có thời gian, Hà Nội đưa ra biện pháp kiên quyết bắt chó thả rông. Nhưng tôi thấy cũng chỉ ráo riết được một thời gian là đâu lại vào đó. Còn rất nhiều gia đình nuôi và thả rông chó, mà xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” thế này thì không biết là vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở Đội Cấn có xử lý hay không? Theo tôi, cần xử lý cả chó lẫn chủ nuôi để nâng cao trách nhiệm của người nuôi động vật với người dân, xã hội”.

Mặc dù Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã quy định rõ các mức phạt về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Cụ thể, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng cho vật nuôi, sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chỉ xử phạt hành chính thì sẽ không đủ sức răn đe.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh thẳng thắn, cần áp dụng mạnh mẽ các quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu động vật tấn công người dẫn đến tử vong. Đây là cơ sở để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nuôi động vật với cộng đồng, xã hội.

TS.BS Lê Việt Khánh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) khuyến cáo, khi bị chó cắn, điều cần làm đầu tiên là vệ sinh vết cắn, tiến hành cầm máu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Chỉ với 0,36 giây, gõ cụm từ “Chó dữ tấn công người dẫn đến tử vong” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, cho ra hơn 600.000 kết quả các vụ động vật tấn công người gây thương tích, tử vong. Có thể thấy, câu chuyện động vật tấn công người chưa bao giờ hết nóng. Đặc biệt là từ năm 2018, đã có rất nhiều những vụ tử vong có nguyên nhân từ động vật. Đơn cử, hồi tháng 3/2018, một bệnh nhân 60 tuổi ở Nghệ An đã nhập viện trong tình trạng hấp hối sau 1 tháng bị chó cắn. Tương tự, một bệnh nhân nam 44 tuổi, ở Tuyên Quang cũng không qua khỏi khi phát bệnh dại, sau 2 tháng bị chó cắn vào tay. Và mới đây, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (Đội Cấn, Hà Nội), bị chó ngao Tây tạng hơn 40kg tấn công, dẫn đến tử vong.

Bảo Loan

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022