Được biết, trong khu vực nhà máy của Công ty hiện tại có ba dây chuyền sản xuất axit sunfuaric; hai dây chuyền sản xuất supe phốt phát; một dây chuyền sản xuất lân nung chảy và bốn dây chuyền sản xuất NPK. Trong đó, dây chuyền sản xuất NPK thực chất là hỗn hợp trộn, vê viên ba nguyên liệu gồm Đạm – Lân – Kali nên hầu như không có ảnh hưởng đến môi trường. Hai dây chuyền sản xuất axit sunfuaric số 1 và số 2, những năm trước đây dùng công nghệ cũ (sử dụng nguyên liệu quặng pyrit); Dây chuyền axít số 3 được đầu tư năm 2001 vận hành theo công nghệ tiên tiến, tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần (sử dụng nguyên liệu S).

Từ năm 1998 đến năm 2007 Công ty đã đầu tư cải tạo chuyển hoàn toàn dây chuyền axit sunfuaric số 1 và số 2 sang công nghệ mới hiện đại của Ba Lan (sử dụng nguyên liệu lưu huỳnh lỏng). Đồng thời, thay thế hàng loạt các loại xúc tác V2O5 (của Liên Xô, Trung Quốc) có hoạt tính thấp bằng xúc tác Monsanto (của Mỹ) có hoạt tính cao và chuyển đổi công nghệ tiếp xúc đơn sang công nghệ tiếp xúc kép (hấp thụ hai lần) đã nâng cao hiệu suất chuyển hoá khí SO2 thành SO3 lên trên 99,75%; cơ bản giải quyết vấn đề môi trường khí thải có chứa SO2, SO3 (đạt QCVN 21:2009: SO2<500mg/m3 khí; SO3<50mg/m3) và nâng cao sản lượng các dây chuyền. Nước thải của ba dây chuyền axit chủ yếu là nước làm mát, sau khi đã làm mát axit được thu hồi và qua hệ thống giải nhiệt cưỡng bức rồi chứa vào hồ tuần hoàn để tái sản xuất.

image001-1.jpg

 Đối với hai dây chuyền sản xuất supe phốt phát tuy rất đơn giản về công nghệ (chỉ là quá trình điều chế apatit dạng tuyển và axit sunfuaric sau đó ủ, trung hòa, đảo trộn trong kho khoảng ba tuần là ra sản phẩm cuối cùng), nhưng quá trình này lại đi qua nhiều công đoạn như: đánh tơi, nghiền, sàng, đóng bao… rất dễ phát tán bụi ra môi trường. Để giải quyết tận gốc nguồn phát thải này, các thiết bị nghiền, sàng, đánh tơi được thiết kế trong dây chuyền kín, khu vực đóng bao, máy sàng được lắp đặt thiết bị lọc bụi vừa ngăn chặn phát tán bụi vừa thu hồi được sản phẩm. Khí thải phát sinh từ công đoạn điều chế có chứa khí flo được cho đi qua bể hấp thụ và tháp hấp thụ bằng nước và sữa vôi, khí thải đạt tiêu chuẩn cho phép thải vào môi trường. Hợp chất có chứa flo (H2SiF6) hấp thụ được được tận dụng để sản xuất sản phẩm phụ là Na2SiF6. Nước thải (sau hấp thụ flo) được thu gom vào bể chứa và xử lý trung hòa bằng sữa vôi đạt độ pH từ 6 đến 9 rồi tiếp tục được lắng cặn SiO2.H2O; CaSO4 đến đạt quy chuẩn môi trường cho phép (QCVN 40:2011/BTNMT) mới thải ra môi trường.

Dây chuyền sản xuất lân nung chảy các yếu tố ảnh hưởng môi trường chủ yếu là bụi, tiếng ồn (ở các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu; sấy nghiền, đóng bao sản phẩm) và khí thải, nước thải (ở công đoạn lò cao). Xử lý vấn đề này, Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp như phun nước dập bụi, trang bị nút chống ồn cho công nhân; thực hiện duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị đúng định kỳ (tránh sự cố, giảm ồn) và đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý khí lò cao. Khí sinh ra từ lò cao được đưa qua hệ thống tách bụi khô bằng xyclon tách bụi, sau đó đi qua thiết bị hấp thụ khí HF, SO2 (bằng sữa vôi) và tiếp tục qua xyclon tách nước (làm khô) rồi đi qua lò nung gió để tận dụng lượng CO có trong hỗn hợp khí, làm sạch khí thải trước khi thải ra môi trường.

Song song với các giải pháp kỹ thuật nêu trên, Công ty còn đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho CBCNV, tổ chức đội ngũ chuyên và bán chuyên trách về vệ sinh môi trường và phối hợp các biện pháp khác như: trồng cây xanh, làm vệ sinh công nghiệp để cải tạo môi trường theo tiêu chí “Xanh – Sạch – Đẹp”. Việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chẳng những đã hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như việc xử lý, tái sử dụng lại lượng nước thải, thu hồi khí SO2

Tuy nhiên, với đặc thù là sản xuất phân bón, hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát thải chất ô nhiễm ra môi trường và để hướng tới sự phát triển bền vững, thân thiện hơn nữa, Công ty ngày càng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong công tác đầu tư thiết bị công trình xử lý môi trường để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đất nước.

Lại một lần nữa tôi đã đến và tạm biệt nhà máy, ấn tượng mạnh mẽ nhất để lại trong tôi vẫn là những tán lá cây xanh ngắt không có bụi bẩn bám trên lá, bao trùm gần như toàn bộ khuôn viên rộng trên 80 ha của nhà máy. Đó là minh chứng thép cho thấy những nỗ lực của cả Công ty trong quyết tâm cải thiện môi trường bằng mọi biện pháp. Người dân Việt Nam giờ biết đến sản phẩm “bạn của nhà nông” với thương hiệu “ba nhành lá cọ xanh” không chỉ bằng chất lượng sản phẩm hay những “mùa màng bội thu” mà còn biết đến bởi công nghệ sản xuất “thân thiện với môi trường”. Những người thợ của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã nhiều năm “sát cánh cùng bà con nông dân”, nay lại cho ra những sản phẩm vì môi trường và cộng đồng người dân. Họ đang hằng ngày hằng giờ sản xuất ra các sản phẩm phân bón và hoá chất phục vụ các ngành công, nông nghiệp nhưng không hề gây độc hại cho con người cũng như môi trường xung quanh, họ cũng thực sự là bạn của người nông dân Việt Nam như chính những sản phẩm “sạch” nơi đây.

Đăng Quân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022