Ông Trương Quốc Cường - Phó chủ tịch UBND quận 11 cho biết sau khi được thành phố chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ diện tích mặt bằng tại nhà máy thủy tinh Phú Thọ (đường Lạc Long Quân), địa phương đã tiến hành xây dựng và vừa hoàn thành chợ Bình Thới mới. Nhà máy này thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nên một nửa trong tổng vốn 40 tỷ đồng của dự án được dành cho chi phí di dời máy móc, thiết bị của Sabeco, còn lại là chi phí xây dựng.

cho-3493-1466064719.jpg

Bên trong khu chợ mới. Ảnh: Thi Hà.

Chợ Bình Thới mới được xây dựng theo kiểu truyền thống, không xây lầu, bố trí 4 cổng vào theo 3 hướng. Với tổng diện tích sàn 2.758m2, chợ được thiết kế 558 sạp, trong đó 444 sạp diện tích 3m2, 100 sạp 2,4m2 và 14 sạp 2,6m2. Chợ được phân thành nhiều khu với các nhóm ngành hàng khác nhau, có hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, hệ thống giữ xe...

"Ban đầu thành phố chủ trương xây trung tâm thương mại tại đây nhưng khi nhà đầu tư vào xem xét thì không khả thi. Cuối cùng, quyết định xây chợ truyền thống được đưa ra nhằm giải tỏa, di dời tiểu thương ở chợ tạm (trên tuyến đường Xóm Đất) về đây nhằm tạo mô trường kinh doanh ổn định, trả lại sự thông thoáng và mỹ quan đô thị", ông Cường nói.

Khu chợ tạm Bình Thới cũ có 764 hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động nhưng chợ chỉ giải quyết được cho 558 hộ được vào chợ mới. Mặt khác, trong số 764 hộ kinh doanh trên, có 231 hộ chỉ mới kinh doanh từ sau khi có quyết định xây dựng chợ mới, trong đó 197 hộ sẽ được ban quản lý hỗ trợ 5 triệu đồng một tiểu thương để họ tự tìm chỗ sắp xếp kinh doanh mới. Các hộ còn lại do hoạt động không thường xuyên nên không được hỗ trợ.

Theo chỉ đạo của quận 11, ngày 11/7-15/7 tới, ban quản lý sẽ cho tiểu thương bốc thăm vị trí sạp tại chợ mới. Đến đầu tháng 8, chợ sẽ chính thức đi vào hoạt động. Giá thuê sạp 97.000 đồng một m2 một tháng đối với ngành hàng ướt, còn ngành hàng khô là 140.000 đồng một m2. 

Chợ Bình Thới cũ (Xóm Đất, quận 11) là chợ tự phát từ năm 1975. Thời gian đầu, chỉ có một số hộ tiểu thương chiếm dụng đoạn đường ngắn để kinh doanh mua bán, càng về sau càng đông. Đến năm 1995, quận 11 tạm thời công nhận hoạt động của chợ và thành lập ban quản lý. Đến nay, chợ khá nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường, khiến cơ quan quản lý buộc phải giải tỏa và quy hoạch về chợ mới.

Để chấm dứt tình trạng tái phát chợ tạm, ông Cường cho biết quận 11 sẽ cử 100 cán bộ canh gác từ 0h ngày 15/7 khắp các tuyến đường Xóm Đất và các con hẻm để ngăn việc buôn bán tự phát.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022