Vụ việc 3 nữ sinh trường Đại học Ngoại thương bị lũ cuốn trong chuyến đi tình nguyện Mùa hè xanh tại Quảng Ninh đã để lại bài học đau xót cho hoạt động tình nguyện của đoàn viên, thanh niên nói chung.

Lúc này, dư luận đặt ra câu hỏi đối với vấn đề đảm bảo an toàn cho sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện và tính hiệu quả của hoạt động tình nguyện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, có luồng ý kiến cho rằng “Cán bộ đoàn đang lợi dụng sức trẻ của sinh viên tình nguyện cho mục đích của cá nhân hay tổ chức nào đó?!”.

toikhocviaidonoihoatdongtinhnguyendecanb
Chị Vương Ngọc Hà - Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang xót xa vì nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động tình nguyện

Đọc được những bình luận theo góc độ này trên phương tiện truyền thông, chị Vương Ngọc Hà – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang rất buồn.

Chị tâm sự: “Hôm nay tôi khóc vì ai đó nói hoạt động tình nguyện để cán bộ Đoàn tiến thân. Tôi cảm thấy trái tim mình đau đớn vì điều đó đã xúc phạm các em tôi - niềm tự hào của tôi. Tôi đã luôn tự hào vì các em tôi không chỉ nhiệt huyết mà còn đã biết sắp xếp mọi việc khoa học vì Đoàn của chúng ta, vì quê hương chúng ta”.

Bí thư Vương Ngọc Hà mong mỏi tiếng lòng của những người mặc áo xanh tình nguyện được lắng nghe, được thấu hiểu.

Chị thẳng thắn mời tất cả những ai còn nghi ngờ đối với tính thực tiễn và ý nghĩa của hoạt động tình nguyện lên Hà Giang để chứng kiến các tình nguyện viên và cán bộ của chị xây trường cho trẻ em vùng cao, phối hợp tuần tra với bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên mốc giới, vận động chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phát triển kinh tế vùng biên…

Chị Vương Ngọc Hà là người dân tộc La Chí, sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo tỉnh Hà Giang nên chị hiểu rất rõ đời sống vật chất và tinh thần của địa phương. Từ khi được bổ nhiệm là Bí thư Tỉnh đoàn, chị Hà đã cho triển khai nhiều chiến dịch thanh niên làm kinh tế, thanh niên giúp đỡ nâng cao dân trí và dẹp bỏ hủ tục lạc hậu…

Chị chia sẻ: “Đã ba tháng nay, cán bộ của chúng tôi không có ngày nghỉ, ngày cuối tuần cũng như ngày làm việc bình thường. Trong câu chuyện ngoài lề công việc, các em nói với tôi rằng các em bỗng nhớ ra là bản thân đã lâu rồi không được tận hưởng ngày cuối tuần thư giãn”.

Bí thư Hà trăn trở: “Các em tôi chưa một lần đòi hỏi tiền làm thêm giờ, hỏi lãnh đạo bố trí vị trí cao hơn, các em tôi đâu còn thời gian nữa. Các em tôi ngày nghỉ khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo. Các em tôi hân hoan được cùng các chiến sĩ biên phòng giữ từng tấc đất biên cương.

Các em tôi cười vui khi vừa hoàn thành một công trình mới, khi giúp được một gia đình thoát nghèo, khi cắt tóc và vui chơi cùng những đứa trẻ. Các em tôi dạy không lương cho các cháu dù nhà thiếu nhi bị dột, dù không có trang thiết bị, dù là ở xã chẳng có nhà thiếu nhi.

Các em tôi đã khóc khi nhìn thấy các cháu không có dép đi, không có quần áo sạch. Và xin ai đó đừng thấy phiền lòng khi các em tôi làm phiền giúp kết nối xin đồ cho các cháu và đồng bào, vì ai các em tôi phải hạ mình? Khi lũ quét sạt lở đất xin hỏi ai sẽ đến sớm nhất để hỗ trợ đồng bào ngoài các em tôi?”.

Mấy năm trước từng có trường hợp sinh viên tới Hà Giang hoạt động tình nguyện bị chia cắt địa bàn bởi lũ quét bất ngờ. Chị Hà là người túc trực để cùng với lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ các em thoát khỏi tình trạng bị cô lập sau lũ.

“Đó là một bài học sâu sắc. Từ bấy đến nay, tôi luôn quán triệt tinh thần cho cán bộ từ cấp tỉnh tới cấp huyện là phải theo sát hoạt động của các em để đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, đặc biệt phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn đi đến địa bàn để làm gì, làm như thế nào, trong bao lâu. Đã lên đây thì đừng ai không tuân thủ kỷ luật, đừng nghĩ đi tình nguyện để vui chơi”, Bí thư Ngọc Hà nói.

Câu chuyện về tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động tình nguyện

Trong 2 tháng triển khai chiến dịch tình nguyện mùa hè này, Đoàn thanh niên huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang đã đổ được 3 km đường bê tông đường núi cho xã Việt Lâm. Với địa hình khó khăn, phần việc này đã vượt kỳ vọng về tiến độ của địa phương.

Trong 5 năm qua, mỗi năm thanh niên tình nguyện huyện Vị Xuyên phối hợp với các lực lượng công binh, dân quân tự vệ… xây dựng được hơn 100 km đường đất liên thôn, xây 2 cây cầu bê tông và 2 điểm trường vùng cao.

toikhocviaidonoihoatdongtinhnguyendecanb
Chị Hoàng Thị Thu Huyền - Bí thư huyện đoànVị Xuyên, tỉnh Hà Giang chia sẻ về hoạt động tình nguyện tại địa phương.

Chị Hoàng Thị Thu Huyền, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho hay: “Chúng tôi chỉ sử dụng lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ, chủ yếu là đoàn viên thanh niên nông thôn để thực hiện chiến dịch mùa hè. Lực lượng thanh niên nông thôn triển khai rất nhiều phần việc đa dạng, trong đó đa phần là các công việc cần tới sức lực của thanh niên.

Để phát huy công việc tốt nhất, chúng tôi tiến hành đổi công cho nhau giữa lực lượng tình nguyện các xã, lại kết hợp với các lực lượng công binh, an ninh, dân quân tự vệ...

Do vậy công việc luôn luôn hanh thông, không bao giờ bị thiếu người và không phải huy động sức lực của đội ngũ bên ngoài huyện, nắm được sự chủ động trong công việc”.

Về vấn đề bảo đảm an toàn cho tình nguyện viên, chị Huyền tin tưởng rằng sử dụng thanh niên địa phương là những người đã có kinh nghiệm sinh sống ngay tại địa bàn nên có thể ứng phó với các tình huống bất ngờ về thời tiết và thiên tai.

Huyện cũng có 9 câu lạc bộ phản ứng nhanh để hỗ trợ trong những tình huống nguy hiểm bất ngờ và huy động nguồn lực xã hội tài trợ các công cụ bảo hộ lao động như bao tay, áo mưa, đèn pin cho tình nguyện viên. Đáng nói là Đoàn thanh niên huyện liên kết chặt chẽ với các Đảng ủy cấp xã, yêu cầu Bí thư Đảng ủy xã phải chịu trách nhiệm cụ thể đối với hiệu quả công việc cũng như an toàn của tình nguyện viên.

Cụ thể như phần việc xây đường, tình nguyện viên được tham gia huấn luyện cùng với đội ngũ dân quân tự vệ, phối hợp với công binh huyện để có đầy đủ kĩ năng trong công việc xây dựng, bảo hộ lao động.

Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên cũng cho biết, quan điểm của chị đối với việc các địa phương khác, hay các trường đại học, cao đẳng muốn phối hợp chiến dịch tình nguyện mùa hè thì phải có lãnh đạo của địa phương đó, lãnh đạo trường theo sát quản lý an toàn nhân sự, và Huyện đoàn Vị Xuyên sẽ phân công công tác phù hợp với tình nguyện viên. Ví như là sinh viên tình nguyện từ thành phố tới thì phân công việc giúp đỡ các điểm trường dạy học hè, tập huấn công tác đoàn… để phát huy khả năng tri thức của các bạn. Chị Huyền sẽ không sử dụng SVTN của các trường đại học, cao đẳng vào việc đào đất, làm đường vì không hiệu quả.

Hiện nay, huyện Vị Xuyên có hơn 6.000 đoàn viên thanh niên luôn sẵn sàng tham gia hoạt động tình nguyện, giúp phát triển cơ sở vật chất, kinh tế và nâng cao dân trí. Chị cho rằng phát huy nội lực tại chỗ là hiệu quả và an toàn nhất.

Mai Châm

(Email: )

Tag :, , , , , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022