Hơn một tuần nữa, Ngọc Hân, học sinh lớp 12 ở Bình Định, sẽ lần lượt tham dự hai kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM và trường Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức. Ban đầu, Hân định thi thêm kỳ thi riêng của trường Đại học Ngân hàng TP HCM, nhưng không sắp xếp được thời gian.

Chưa xác định ngành cụ thể, Hân cho biết sẽ dùng kết quả thi riêng để xét tuyển vào nhóm sư phạm, hoặc các ngành khoa học xã hội. Kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM có điểm thi ngay tại Bình Định nên Hân không phải đi quá xa. Riêng kỳ thi của trường sư phạm, Hân phải vào TP HCM.

"Ở lớp em, hầu như bạn nào cũng tham dự các kỳ thi riêng, có người 2-3 kỳ", Hân nói.

Đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... là tên gọi kỳ thi riêng của các đại học. Từ chỗ chỉ có một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) vào năm 2015, nay cả nước có hơn 10 kỳ thi, đến từ các trường kỹ thuật, sư phạm, công an... Hầu hết kỳ thi diễn ra từ tháng 3 tới tháng 6.

Theo các trường, số thí sinh đăng ký thi riêng năm nay đều lên mức kỷ lục. Tới đầu tháng 3, hai đại học quốc gia ghi nhận hơn 95.000 lượt thí sinh xác nhận thi đợt đầu, trong khi các đợt khác vẫn chưa mở hoặc đang trong thời gian đăng ký.

Tương tự, trong hai năm 2023-2024, số thí sinh dự thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) tăng khoảng ba lần, từ 11.000 lên 30.000. Kỳ thi riêng của Đại học Sư phạm TP HCM cũng quá tải từ sớm, trường phải mở thêm hai đợt thi vào tháng 5.

Đây cũng là lý do Hoàng Mai ở Hà Nội có thể phải vào tận Nghệ An, cách hơn 300 km, để thi HSA. Mai cho hay, hôm 18/2, Đại học Quốc gia mở cổng đăng ký ca thi cho 3 đợt đầu (tháng 3, 4) nhưng bị nghẽn mạng.

"Khi em truy cập được, toàn bộ suất thi ở Hà Nội đã không còn", Mai cho biết.

Trên các diễn đàn của học sinh, nhiều thí sinh cũng nói phải di chuyển xa hơn dự kiến, chẳng hạn từ Hà Nội lên Thái Nguyên hoặc về Thái Bình để thi.

Để có kết quả tốt, nhiều gia đình không ngại đầu tư. Trần Thị Ngọc Ánh, trường THPT A Kim Bảng, Hà Nam, được bố mẹ mua gói gia sư 1-1 ôn thi HSA gần 10 triệu đồng. Khóa học kéo dài khoảng ba tháng, mỗi tuần 2-3 buổi.

Ánh kể được hướng dẫn phương pháp làm bài cho từng loại câu hỏi. Nữ sinh đặt mục tiêu đạt từ 90/150 điểm trở lên vì đây là mức "tạm ổn" để xét tuyển.

Một giáo viên luyện thi đánh giá năng lực, tư duy cho biết số học viên có nhu cầu tăng mạnh nhất trong hai năm trở lại đây. "Các năm trước tăng khoảng 10%, nhưng năm nay lượng học viên tăng gấp ba lần", giáo viên này cho biết.

Các chuyên gia nhìn nhận việc thí sinh chuộng thi đánh giá năng lực do gia tăng cơ hội đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, song cảnh báo các em không nên dàn trải.

thi-sinh-5339-1709700401-9105-1711075900.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7RSQru46kUDBciDDFBa3nw

Thí sinh thi HSA tại điểm thi Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: VNU

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP HCM, số lượng trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng ngày càng tăng, thí sinh có thể dùng kết quả một kỳ thi để nộp vào hàng chục trường. Ngoài ra, nhiều kỳ thi cho thấy sự ổn định qua các năm, nên thí sinh an tâm hơn.

Chẳng hạn với HSA, từ một kỳ thi nội bộ dùng cho 10 trường của Đại học Quốc gia Hà Nội thì nay có gần 90 trường sử dụng kết quả, kể cả nhóm trường quân đội. Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM có 105 trường công nhận, còn TSA là hơn 30 trường. Kỳ thi của nhóm sư phạm cũng tăng số lượng trường dùng để xét tuyển, trong đó có cả một trường Y Dược.

"Lợi thế khi thi riêng là có thêm cơ hội, có thể xét tuyển sớm để giảm áp lực, thay vì dồn tất cả vào xét điểm tốt nghiệp THPT", ông Trung nhìn nhận.

Ngoài ra, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, thấy rằng nhiều thí sinh có thể mang tâm lý phong trào, thi "cho bằng bạn, bằng bè".

Nguyễn Lộc, học sinh lớp 12 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nói thi cả HSA và TSA vì thấy nhiều bạn bè đăng ký tới 2-3 kỳ thi. Dù xác định dùng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển, Lộc cho rằng thi đánh giá năng lực "cho biết", lại tăng thêm cơ hội.

233a3165-1679796686-1711038023-1155-1711075901.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NQlfZF0uOQFEQLCciNg25A

Thí sinh tranh thủ nghỉ ngơi, ăn sáng trước khi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh đăng ký các kỳ thi riêng ồ ạt, theo thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Thương mại, sẽ có tác động hai mặt.

Mặt tích cực rõ ràng là thí sinh có nhiều lựa chọn, cơ hội xét tuyển khi hầu hết trường dành chỉ tiêu cho các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, việc này cũng khiến thí sinh đối mặt hàng loạt vấn đề như tốn thời gian, công sức, tiền bạc, lại thêm áp lực và dễ bị phân tâm.

"Chuẩn bị, ôn luyện thật tốt cho một kỳ thi không đơn giản, cần đầu tư nhiều thời gian. Trong khi đó, mỗi kỳ thi riêng lại có cấu trúc, dạng đề khác nhau", ông Trung nhìn nhận.

Lệ phí thi khoảng 500.000 đồng một lần, chưa kể chi phí đi lại, ôn luyện. Theo ông Khuyến, số tiền này không nhỏ với một gia đình nông thôn.

Tham gia hai kỳ thi riêng cùng vào tháng 3, Ngọc Hân ở Bình Định nói cảm thấy dồn dập, nặng nề. Từ tháng 10/2023, nữ sinh đăng ký một khóa ôn luyện đánh giá năng lực để được hướng dẫn cách học, luyện giải đề. Còn với kỳ thi riêng của trường Sư phạm TP HCM, nữ sinh dành ít kỳ vọng hơn, nên chủ yếu tự ôn.

"Vừa phải duy trì điểm trên lớp để xét tuyển bằng học bạ, vừa ôn thi tốt nghiệp, lại phải luyện nhiều dạng đề thi riêng khiến em nhiều lúc như tẩu hỏa nhập ma", Hân chia sẻ.

Để kết quả thi tốt nhất, ông Trung ở Đại học Thương mại khuyên học sinh cần xác định rõ sẽ dùng phương thức nào để xét tuyển. Chẳng hạn, nếu thí sinh đã có chứng chỉ quốc tế thì không nhất thiết thi riêng nữa. Thay vào đó, các em nên tập trung thi tốt nghiệp THPT hoặc duy trì điểm học bạ để xét tuyển kết hợp với chứng chỉ. Còn nếu thi riêng, thí sinh chỉ nên chọn một kỳ để ôn cho kỹ, không cần dàn trải.

"Nói chung thi thêm là xác định sẽ có áp lực. Nhưng nếu có chiến thuật hợp lý và đạt kết quả tốt, thành quả sẽ rất xứng đáng với các em", ông nói.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hôm 17/3, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng khuyến cáo thí sinh chỉ nên chọn một kỳ thi riêng và thi một lần.

HSA được thiết kế ổn định, thực tế cũng không có sự chênh lệch kết quả đáng kể giữa các lần thi.

"Các em nên bỏ qua tâm lý là mình phải thi nhiều lần để tập dượt. Thay vào đó, hãy đặt hết quyết tâm để đạt điểm cao nhất có thể", ông Thảo nói.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022