Ngoai-hanh-tinh-set-2043-1712384374.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WhmM_Wv1TpXTkGqkZPyZ0A

Mô phỏng ngoại hành tinh WASP-76b và vầng vinh quang giống cầu vồng trong khí quyển. Ảnh: ATG/ESA

Các nhà thiên văn lần đầu tiên phát hiện bằng chứng về vầng vinh quang, hiện tượng khí tượng nhiều màu sắc giống cầu vồng, ở một ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời), IFL Science hôm 5/4 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Vầng vinh quang gồm các vòng tròn ánh sáng đồng tâm với màu sắc cầu vồng - bên ngoài màu đỏ và bên trong màu tím. Dù cũng hình thành do các giọt nước bẻ cong ánh sáng, vầng vinh quang khác với cầu vồng vì ánh sáng tán xạ ngược bị nhiễu xạ giữa các giọt nước, thay vì bị khúc xạ khi qua chúng. Hiện tượng này mang tên như vậy vì trông giống vầng hào quang quanh đầu các vị thánh trong tranh thời Trung Cổ.

"Có lý do khiến vầng vinh quang chưa từng được nhìn thấy ở ngoài hệ Mặt Trời trước đây. Hiện tượng này đòi hỏi những điều kiện rất đặc biệt. Đầu tiên, cần các hạt khí quyển với hình cầu gần như hoàn hảo, hoàn toàn đồng nhất và đủ ổn định để có thể quan sát trong thời gian dài. Ngôi sao ở gần hành tinh này cần chiếu thẳng vào nó, và thiết bị quan sát - ở đây là kính viễn vọng không gian CHEOPS - chỉ đúng hướng", Olivier Demangeon, trưởng nhóm nghiên cứu, nhà thiên văn tại Viện Vật lý thiên văn và Khoa học vũ trụ ở Bồ Đào Nha, cho biết.

Ngoại hành tinh WASP-76b cách sao chủ rất gần và nóng đến mức được cho là có mưa sắt. Khoảng cách gần này khiến một phía của WASP-76b bị khóa thủy triều và luôn đối mặt với sao chủ, gọi là "phía ban ngày", nóng đến 2.400 độ C. Bên kia ngoại hành tinh, "phía ban đêm", luôn hướng ra ngoài không gian và mát mẻ hơn, nhưng phải hứng chịu những cơn gió mạnh do sự chênh lệch nhiệt độ gây ra. Ở gần ranh giới ngày - đêm, kim loại bốc hơi ở phía ban ngày ngưng tụ và rơi xuống thành mưa sắt.

Cần có thêm bằng chứng để xác nhận rằng hiện tượng mà kính viễn vọng không gian CHEOPS quan sát được ở WASP-76b là vầng vinh quang quý hiếm. Nếu đúng, hiện tượng này cho thấy sự hiện diện của những đám mây cấu tạo từ các giọt nước hình cầu hoàn hảo đã tồn tại ít nhất ba năm, hoặc những đám mây này liên tục được bổ sung. Nếu các đám mây tồn tại lâu dài, nhiệt độ khí quyển của WASP-76b cũng phải ổn định qua thời gian. Đây là một thông tin thú vị, cho thấy sự ổn định ở một ngoại hành tinh được coi là hỗn loạn.

Phát hiện mới cũng chỉ ra, các chuyên gia về ngoại hành tinh có thể nghiên cứu những thế giới xa xôi để tìm những hiện tượng ánh sáng tương tự, bao gồm cả ánh sáng sao phản chiếu từ hồ và đại dương lỏng. Điều này rất quan trọng với công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hệ Mặt Trời mà con người đang tiến hành.

Thu Thảo (Theo Space, IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022