doan-quan-di-nhat-thuy-1495847510663.jpg
Ca sỹ Nhật Thuỷ thể hiện ca khúc "Đoàn quân đi".

Trong bầu không khí cách mạng sục sôi của hơn 7 thập kỷ trước, có một chàng trai trẻ, một đại diện của tiếng nói giới trí thức đã bỏ lại giảng đường, hòa vào đoàn quân kháng chiến. Nhạc sĩ Lê Quý Hiệp, tác giả của “Đoàn quân đi” đã lấy nghệ danh là Việt Lang, nghĩa là “chàng trai đất Việt” thể hiện quyết tâm của những chàng trai trẻ khi đó. Nhà biên kịch Lê Hoàng Trâm, con gái nhạc sĩ Việt Lang – thành viên của Hội đồng bình luận kể rằng: “Bố tôi ghi lại hình ảnh thật, ý nghĩ thật của anh bộ đội Cụ Hồ - những con người làm nên lịch sử để chúng ta thấy rằng thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ thế nhưng tất cả vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai chiến thắng. Ở thời đó, không chỉ đoàn quân đi mà toàn dân cùng đi”.

Ca khúc “Đoàn quân đi” được nhiều nhà phê bình âm nhạc cho là đã thổi một hơi thở mới trong những ca khúc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là mắt xích chuyển hóa ngôn ngữ âm nhạc từ tân nhạc sang dòng ca khúc cách mạng. Trong Giai điệu tự hào tháng 5, ca khúc được phối khí lại theo hơi hướng blue, jazz, do Nhật Thuỷ thể hiện.

niem-thuong-men-dinh-manh-ninh-149584751
Đinh Mạnh Ninh thể hiện "Niềm thương mến" của Phan Vân với hình ảnh người lính.

Ca sĩ trẻ Đinh Mạnh Ninh trở lại với chương trình tháng 5 bằng sáng tác “Niềm thương mến” của nhạc sĩ Phan Vân. Âm nhạc và ca từ của ca khúc là những tình cảm chân thành của những người lính, là lời kêu gọi đoàn kết hỗ trợ nhau của những người xa quê đi làm cách mạng... Ca từ là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến nhưng giai điệu lại rất nhẹ nhàng, giản dị như thể cuộc chiến chẳng thể chạm đến tinh thần của họ.

Nhạc sĩ Văn Ký – thành viên Hội đồng bình luận, người từng trực tiếp tham gia khởi nghĩa chia sẻ: “Tôi đã cầm mã tấu tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, từng lên rừng núi phục vụ những đoàn dân công, vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường với tâm thế nhất định thắng lợi, niềm hy vọng về hòa bình, về ngày mai sẽ tươi sáng”.

Trong thuở “trường chinh”, mỗi người lính khi ra mặt trận còn mang trong mình tình yêu quê hương và nỗi nhớ tha thiết quê nhà. Một nỗi nhớ mênh mang được nhạc sĩ Hồ Bắc gọi thành tên đầy trìu mến qua ca khúc “Làng tôi” (biểu diễn: Bích Ngọc và tốp ca Sao Mai).

lang-toi-bich-ngoc1-1495847510674.jpg
Bích Ngọc và tốp ca Sao Mai thể hiện "Làng tôi".

Nhà thơ Hữu Việt cho biết, bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1949 khi nhạc sĩ mới ở độ tuổi 20, thể hiện mơ ước của nhạc sĩ về một làng quê trù phú, yên bình trong hiện thực đầy khói lửa của cuộc chiến. Chính mơ ước ấy tạo nên sức mạnh tinh thần cho mỗi chiến sĩ vệ quốc.

Tuy không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng tác giả Minh Quốc đã phổ nhạc rất thành công bài thơ nổi tiếng “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài hát này chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc bởi đó bài hát đầu tiên về người lính mang màu sắc trữ tình. Trước khi trở thành người lính, nhà thơ Chính Hữu là một sinh viên ngành Triết học, có lẽ vì thế mà trong thơ của ông có rất nhiều thi ảnh ẩn dụ mà “đầu súng trăng treo” chỉ là một trong số đó.

Sinh thời, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương kể lại: “Khi tôi hát (bài hát “Tình đồng chí”), tôi thấy những hàng nước mắt chảy ròng ròng trên gương mặt của đồng đội tôi…”. Ca khúc do NSƯT Tấn Minh thể hiện trong một không gian đầy trữ tình.

tinh-dong-chi-tan-minh-2-1495847510682.j

NSƯT Tấn Minh biểu diễn "Tình đồng chí" trong một không gian hết sức lãng mạn.

Nhạc sĩ Văn An đã sáng tác ca khúc đầu tay của mình mang tên “Đường lên Tây Bắc”. Không chỉ phác nên một bức tranh Tây Bắc đẹp nao lòng, bài hát như còn là dự cảm về một chiến thắng đang đến rất gần.

Về mặt âm nhạc, ca khúc thể hiện tư duy âm nhạc của một thế hệ nhạc sĩ mới, đoạn tuyệt với nhạc tiền chiến để lồng vào đó những hơi thở của thời đại. Với “Đường lên Tây Bắc”, lần đầu tiên ca sĩ Lan Anh xuất hiện trên sân khấu của "Giai điệu tự hào".

Điểm cuối của cuộc “trường chinh” 9 năm là một ca khúc bất hủ của dòng âm nhạc cách mạng, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên”, bài hát mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết và thăng hoa tới từng lời ca, giai điệu. Đây cũng chính là phần biểu diễn được ê-kíp chương trình tháng 5 dàn dựng công phu nhất. Người thể hiện là nhóm Bel Canto.

chien-thang-dien-bien-belcanto-149584751
"Chiến thắng Điện Biên" của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận được tái hiện lại bằng một sắc màu âm nhạc mới mẻ.

Năm 1954, chỉ ít ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi chiến trường chưa tan mùi thuốc súng, ngay tại hầm tướng Đờ Cát đã diễn ra một đám cưới đặc biệt, đám cưới lịch sử của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh. Gọi là lịch sử bởi nó đánh dấu niềm hạnh phúc riêng tư hòa vào niềm hạnh phúc chung của toàn dân tộc. Bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu hy sinh mất mát là để bảo vệ hòa bình, bảo vệ độc lập, bảo vệ quyền được sống hạnh phúc của mỗi người.

Chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 5 cũng sẽ mời đến trường quay nữ bác sĩ sản khoa nổi tiếng Nguyễn Thị Ngọc Toản – người giờ đã gần 90 tuổi và nhà thơ Hữu Việt, con trai nhà thơ Hữu Mai, người được chính bác sĩ Toản đưa ra từ trong bụng mẹ.

“Giai điệu tự hào” tháng 5 mang chủ đề “Thuở trường chinh” sẽ phát sóng lúc 21h40’ ngày 27/5 trên kênh VTV1.

Hà Tùng Long

Tag :

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022