Cưới nhau mới được hơn 3 tháng nhưng câu hỏi chị nghe nhiều nhất đến thời điểm hiện tại là “Cháu đã có gì chưa”. Mọi lần chị đều cười xòa rồi lắc đầu trả lời vỏn vẹn “Cháu chưa”. Nhưng lần này, những câu nói của bà hàng xóm đã khiến chị phải suy nghĩ.

Chả là, hôm ấy khi chị đang “cắm mặt” vào màn hình máy tính để làm việc thì thấy bà hàng xóm tất tưởi chạy sang với giọng nói hớt hải: “Bố mẹ có nhà không cháu”, chị lắc đầu nói không. Bà vội vàng dặn: “Con gà trống nhà bà vừa bay qua bờ tường sang nhà cháu đấy. Khi nào bố mẹ cháu về, nhớ bảo bố cháu bắt hộ bà nhé”.

Nói xong, bà miêu tả chi tiết về màu lông cũng như cân nặng của con gà “bị lạc” và không quên bồi thêm một câu: “Cả nhà bà có con gà ấy để ăn Tết thôi đấy, mất gà là mất Tết”.

Nghe bà nói, chị chỉ biết vâng vâng, dạ dạ. Mang tiếng là hàng xóm nhưng đây là lần thứ 2 chị gặp bà kể từ ngày cưới. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như sau đó, bà không nhìn chằm chằm vào bụng chị và bất ngờ lấy tay xoa bụng chị, xoa lấy xoa để rồi xuýt xoa: “Sao vẫn “lép kẹp” thế này".

photo-1-1485655359400.jpg

Nàng dâu mới tái mặt khi hàng xóm chê "không ăn cơm trước kẻng”. Ảnh minh họa

Chưa đợi chị trả lời, bà tiếp tục “truy tìm” nguyên nhân tại sao cái bụng chị vẫn y nguyên như ngày mới cưới. “Do chồng cháu hay là do cháu thế. Hay là chúng mày đi khám thử xem, giờ toàn ăn các thứ độc hại, vô sinh nhiều, nhỡ may không có mụn con là “chết dở” đấy”, bà chép miệng.

Rồi bà bắt đầu kể, nhà ông A mới cưới vợ cho cậu con trai 4 tháng trước, nghĩa là chỉ sớm hơn vợ chồng chị chừng 1 tháng, thế mà giờ ông A đã lên chức ông nội do con dâu có bầu hơn 5 tháng trước khi cưới. Con dâu ông A sinh được thằng cu bụ bẫm, kháu khỉnh, hàng xóm đến chia vui, ai nấy đều khen cô này “giỏi”, “biết đẻ”. Ông bà A có thằng cháu đích tôn cũng vui mừng, phấn khởi ra mặt. Trước đó, khi biết tin con dâu tương lai có bầu trước, bà A còn đi “khoe” với hàng xóm rằng nhà bà sắp tậu trâu lại được cả nghé, bớt mối lo cưới về mà mãi… chẳng thấy gì.

Bây giờ, chúng nó toàn “có” trước khi cưới thế đấy, cứ phải “ăn chắc” cháu ạ. Chúng mày lấy nhau mấy tháng trời rồi, chưa có gì lại khiến thiên hạ dị nghị. Bố mẹ hai bên cũng sốt ruột mong có cháu. Vợ chồng mày xem thế nào liệu mà đi kiểm tra để còn biết đường chữa trị”, bà giảng giải.

Nghe đến đây, chị chẳng thể cười nổi nữa. Chị định giải thích rằng, vợ chồng chị không làm sao cả, bọn chị đã đi khám sức khỏe trước khi kết hôn và mọi thứ đều ổn, chỉ là hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để sinh con thôi. Nhưng sao, những suy nghĩ ấy cứ nghẹn lại ở cổ họng, không thể thoát ra ngoài được, mặt chị tái lại.

Chị sinh ra ở làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội, cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như dòng nước trên con sông quê. Anh chị gặp và yêu nhau chưa đày một năm rồi tiến tới hôn nhân. Với một người vẫn còn mang nặng truyền thống về người phụ nữ xưa, chị không cho phép mình đi quá giới hạn với người yêu. Dĩ nhiên, chị luôn tự hào vì mình đã làm được điều đó.

Thế nhưng, cái chị luôn lấy làm tự hào đó giờ bị người ta đem ra so sánh rằng kém cỏi, không bằng những người “ăn cơm trước kẻng”. Chị biết, xã hội hiện đại, cuộc sống cũng thoáng hơn, chuyện có con trước hôn nhân không còn quá nặng nề như trước và tất nhiên, chị cũng không phê phán hay lên án gì họ cả, vì đơn giản, mỗi người có một cuộc sống riêng.

Bà hàng xóm quay lưng ra về, không gian như trùng xuống. Và đột nhiên, trong chị dấy lên một nỗi sợ: Tết này, liệu chị phải gặp bao nhiêu “bà hàng xóm” như vậy nữa?

Ngân Bình

Tag :, ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022