Nguyễn Hoàng Bảo Trân, lớp 12 song ngữ Pháp, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, nhận tin đỗ Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne hôm 29/4. Theo xếp hạng QS 2024, đây là một trong 10 trường tốt nhất nước Pháp.

Trong thư, trường chúc mừng Trân và cho biết từ năm nay trường miễn học phí cho sinh viên quốc tế trúng tuyển vào khoa Kinh tế. Ngoài ra, Trân được miễn một phần phí ghi danh khoảng 4,6 triệu đồng.

"Em chưa tin nổi đã đỗ Paris 1", Trân nói. "Trước đó, em thấy mình quá mạo hiểm". Nữ sinh làm hồ sơ du học Pháp trong quá trình ôn thi học sinh giỏi quốc gia và phụ trách nhiều hoạt động ở trường.

tran1-3922-1715007706.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QJnVgZjoEaeBpLRZBgFWbg

Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bảo Trân cho hay trong hồ sơ du học Pháp, thư động lực và hoạt động ngoại khóa là hai yếu tố quan trọng nhất. Khác với bài luận tuyển sinh Mỹ, thư động lực không có câu hỏi cụ thể, giới hạn 1.500 ký tự.

Trong thư, Trân kể về lý do chọn ngành Kinh tế và Quản lý, định hướng về kinh tế giáo dục. Sinh ra ở thành phố hiện đại nhưng từ nhỏ, Trân chứng kiến nhiều bạn cùng tuổi trong xóm Kiều Sơn, quận Hải An, không được đi học, hàng ngày đi làm thuê hay nhặt ve chai kiếm sống.

Lớn lên, em thấy nhiều bạn ở tỉnh không có điều kiện biết đến những hoạt động ngoại khóa, học tập hay chương trình trao đổi miễn phí ở nước ngoài.

Trân mong đến Pháp để học hỏi vì đánh giá đây là quốc gia bình đẳng về giáo dục. Người dân ủng hộ việc bỏ tiền thuế của mình để hỗ trợ học phí cho sinh viên quốc tế.

Paris 1 còn có mạng lưới đối tác rộng và là trường duy nhất có ba trụ sở nghiên cứu lớn của Pháp. Trường cũng có nhiều giáo sư chuyên môn về lĩnh vực em quan tâm.

"Học ở đây sẽ giúp em hiểu được cách vận hành của hệ thống chính sách liên quan giáo dục, có thêm góc nhìn mới để có những hoạt động hữu ích cho cộng đồng sau này", nữ sinh nói.

Trước đó, Trân đồng sáng lập nhiều dự án dạy Văn học và tiếng Pháp miễn phí ở Hải Phòng, cũng như tham gia các dự án thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.

Em còn là chủ tịch câu lạc bộ hỗ trợ ôn thi vào THPT chuyên Trần Phú cho học sinh lớp 8, 9, trưởng ban phát thanh của trường và phụ trách chương trình quyên góp máy tính, Atlat cho học sinh Quảng Trị. Ngoài ra, Trân tích cực tham gia và giành giải ở một số cuộc thi về kinh tế cho học sinh THPT.

Theo nữ sinh, khó khăn lớn nhất trong thời gian làm hồ sơ là cân bằng thời gian. Các trường công ở Pháp chỉ mở một đợt nhận hồ sơ trong năm, từ tháng 10 đến tháng 12. Đây cũng là lúc em phải tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp. Không muốn từ bỏ, Trân quyết định làm mọi việc cùng lúc.

Hàng ngày em học ở trường, ôn thi học sinh giỏi, tối đến đi học thêm. Trân tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc ra chơi để làm các hoạt động ngoại khóa và dự án. Từ 1h sáng trở đi, Trân chỉnh sửa hồ sơ du học nên sau đó chỉ ngủ chừng ba tiếng.

Vì vậy, Trân không tránh khỏi áp lực và quá tải. Em mất định hướng cho hồ sơ, sức khỏe bị ảnh hưởng khiến phong độ các bài kiểm tra ở đội tuyển cũng giảm sút.

"Em từng muốn bỏ buộc", nữ sinh nhớ lại. Trân sau đó dành 1-2 ngày để thả lỏng và cân nhắc lại hướng đi. Cuối cùng, em vẫn chọn theo đến cùng.

Trân xin tư vấn và hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước để biết cách xử lý các tình huống gặp phải. Cùng với sự hỗ trợ từ thầy, cô và gia đình, nữ sinh dần cân bằng được các đầu việc.

Nữ sinh nộp hồ sơ ứng tuyển vào Paris trước hạn hai ngày. Em sau đó cũng dẫn đầu ở môn tiếng Pháp trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, với 18,4/20 điểm.

Hồi tháng 2, Trân được chọn vào vòng phỏng vấn trực tiếp ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Cuộc gặp diễn ra trong 30 phút với các câu hỏi xoay quanh hành trình học tiếng Pháp và trường Paris 1. Nhờ tìm hiểu kỹ từ khi viết thư động lực, Trân trả lời trôi chảy.

Kết quả của học trò khiến cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoàng Oanh không bất ngờ. Cô nhận định Paris 1 nổi tiếng về độ cạnh tranh và khó đỗ nhưng luôn tin vào khả năng của Trân.

"Trân nằm số ít học trò có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có khả năng tư duy và tổ chức", cô Oanh nói. Nữ sinh không chỉ giành giải nhất của hàng loạt cuộc thi học sinh giỏi tiếng Pháp mà còn đạt huy chương Karatedo tại Đại hội Thể dục thể thao thành phố Hải Phòng năm 2021.

Tháng 9 tới, Trân sẽ sang Pháp và dự định học tiếp lên thạc sĩ sau tốt nghiệp. Em muốn trở về Việt Nam làm việc với vai trò cố vấn xây dựng chính sách bình đẳng giáo dục toàn diện.

"Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, dù có bất kỳ cản trở nào. Sự bền bỉ và quyết tâm cao sẽ mang đến kết quả mong muốn", Trân đúc rút từ hành trình của mình.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022