Tìm lối đi xóa bỏ tình trạng “học chay, dạy chay”

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống trong ngành giáo dục , TGĐ Phạm Minh Long lớn lên và phát triển trong một môi trường mô phạm, được rèn luyện và trau dồi kiến thức tại ngôi trường sư phạm hàng đầu thời đó. “Giáo dục” với gia đình ông và bản thân ông quan trọng như chính máu chảy trong người. Với nền tảng như vậy, người ta cứ nghĩ rằng ông sẽ trở thành một nhà giáo, hay nắm giữ một chức vị cao trong bộ máy giáo dục. Thế nhưng, ông đã chọn cho mình một lối rẽ khác, trở thành một doanh nhân và dấn thân vào con đường kinh doanh thiết bị giáo dục.

unnamed-8.jpgÔng Phạm Minh Long- Tổng giám đốc Cty.

Chia sẻ về điều này, ông bồi hồi nhớ lại: “Khởi đầu, tôi từng làm thuê tại nhiều cửa hàng với mong muốn học hỏi được nhiều kinh nghiệm thương trường của ngành nghề kinh doanh thiết bị giáo dục. Ban ngày đi làm, tối về, tôi lại nhận lắp đặt máy vi tính thuê và dạy thêm vi tính buổi tối. Lĩnh vực thiết bị giáo dục là niềm đam mê từ khi còn nhỏ của tôi, chính vì thế, tôi làm mọi thứ liên quan để có thể biến ước mơ thành hiện thực. Cuối năm 1994, tôi đánh liều vay tiền bạn bè để mở một cửa hàng bán các loại mực tẩy xóa và máy móc văn phòng. Đó cũng là một trong những dấu mốc quan trọng giúp tôi thêm động lực để mở một công ty chuyên về thiết bị giáo dục sau này”.

“Khi tôi còn đi học tại trường sư phạm, tôi lúc nào cũng băn khoăn rằng không biết có thể sáng tạo ra những thứ máy móc nào đó có thể giúp cho việc học dễ dàng hơn và cũng có thể giúp cho bản thân hiểu hơn về cách những kiến thức khi áp dụng thực tế sẽ như thế nào? Thế nhưng, thời đó, làm gì có máy móc hỗ trợ nhiều, nguồn máy móc còn nghèo nàn và thiếu thốn thế nên toàn phải “học chay, dạy chay” là thế” – Ông chia sẻ.

Nghĩ về bức tranh giáo dục Việt Nam cách đây hai thập kỷ, ông không giấu được nỗi “canh cánh” về một cơ chế học chỉ toàn lý thuyết mà thiếu đi thực hành. Chính những nỗi niềm đã nuôi dưỡng nên ước mơ mở ra một công ty chuyên kinh doanh thiết bị giáo dục để đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục trong nước.

Thời điểm đó, ngoài những doanh nghiệp quốc doanh lớn thì rất ít những cá nhân dám đầu tư cho ngành kinh doanh thiết bị giáo dục. Một phần vì vốn lớn, một phần vì ngành này yêu cầu người lãnh đạo phải thật sự am hiểu tính sư phạm cao của các thiết bị này. Nhưng, không bỏ rơi ước mơ của mình, một lần nữa vào năm 1996, ông lại tiếp tục vay mượn xoay sở để biến cửa hàng nhỏ trở thành Công ty Thiết bị giáo dục Thắng Lợi.

“Học sinh chúng ta giỏi nhưng vì đâu chưa thể bứt phá?”

Hai mươi năm trước, nỗi trăn trở luôn thường trực trong con người ông là làm thế nào để mở rộng cơ hội thực hành cho người dạy và người học với nền giáo dục lúc bấy giờ. Thế nhưng, hai mươi năm sau, nỗi trăn trở ấy vẫn không nguôi mà ngược lại còn mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Ông nhíu mày suy ngẫm: “Học sinh Việt Nam ở cuộc thi quốc tế nào cũng không hề thua kém bạn bè về kiến thức. Thậm chí, tôi còn nhớ trong cuộc thi Vật lý quốc tế thí sinh của chúng ta đạt điểm lý thuyết tuyệt đối. Thế nhưng, thực hành lại chỉ nhận điểm 0. Đó chẳng phải là hệ quả của một nền giáo dục thiếu đi tính thực tế hay sao?”.

“Học sinh chúng ta giỏi nhưng vì đâu chưa thể bứt phá?” – Vị giám đốc tư lự trong một câu hỏi cảm thán. “Giờ đây thực chất chúng ta không thiếu đi những thiết bị giáo dục có thể giúp đỡ việc học cho thày và trò. Thế nhưng, chính “lối mòn” trong cách giảng dạy đã hạn chế việc học thực hành trên lớp. Thày cô giáo vẫn chỉ quen với phương pháp chỉ truyền đạt kiến thức mà vẫn thiếu đi những kỹ năng cơ bản để dạy học sinh cách thực hành. Đó là một trong những lỗ hổng mà nền giáo dục vẫn chưa tìm được ra câu trả lời”, ông chia sẻ.

“Muốn phát triển giáo dục thì hãy cứ bám sát vào bản chất của nó. Mục đích của môn vật lý là dạy người ta biết về cái bóng đèn và làm thế nào để nó sáng, môn hóa học là để dạy người ta biết ứng dụng những chất hóa học đó ra sao,… Đừng “thiên biến vạn hóa” nó làm gì. Thay đổi hay cải cách quá nhiều liệu là tốt hay bám sát vào bản chất của nó thì tốt hơn?”, là câu góp ý chân thành từ vị giám đốc đầy tâm huyết.

Thắng Lợi đã đứng trên thị trường và song hành cùng ngành giáo dục hơn 20 năm qua. Qua bao nhiêu đổi thay vẫn ở đó một doanh nghiệp luôn bám sát với từng chuyển động của ngành giáo dục. Giống như cách TGĐ Phạm Minh Long chia sẻ, mọi thứ dù thay đổi ra sao thì hãy lấy bản chất của nó làm gốc, Công ty Thắng Lợi dù hàng năm vẫn giới thiệu biết bao mẫu thiết bị, xúc tiến thương mại với biết bao doanh nghiệp lớn tại nước ngoài, thì ông vẫn chỉ “khiêm tốn” rằng: “Thắng Lợi “đơn giản” lắm, bao nhiêu năm chỉ theo đúng một mục tiêu là lấy chất lượng và bản chất giáo dục làm gốc. Dù có trải qua bao nhiêu năm, chúng tôi vẫn chỉ tuân thủ một mục tiêu đó. Hơn ai hết, chúng tôi mong rằng, không chỉ là phát triển cơ sở vật chất ngành giáo dục mà hơn hết chính bộ máy này cũng cần phải thay đổi, chính thái độ và cách dạy và học cũng cần được “cải cách” để nền giáo dục trong nước có những bước phát triển bền vững nhất”.

Quỳnh My

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022