Tự nhận là “khởi đầu không có gì đặc biệt và nhờ may mắn vì không ai có thể biết trước hay có khả năng sắp đặt cuộc đời cho chính mình”, doanh nhân Đặng Thị Xuân Hồng bắt đầu với lĩnh vực bất động sản rồi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, sau đó dịch vụ nhà hàng, đầu tư xây dựng… Và bây giờ, chị đang dốc sức để đầu tư cho dự án xây dựng Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ- một dự án mà không ít người cho rằng có nhiều rủi ro và mạo hiểm.

+ Làm cái việc hình như ở VN chưa ai từng làm là xây một công viên hỏa táng, khi đa phần tâm lý người Việt vẫn quan niệm việc phải được nằm xuống đất khi xác thân đã trở về với cát bụi, chị có thấy mình quá mạo hiểm?

– Lý do để “mạo hiểm” với quyết định đầu tư xây dựng dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ, có lẽ xuất phát từ khi tôi biết về triết lý “có thân có nghiệp” của đạo Phật, nhưng dự án này phần lớn mang ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường. Ai cũng biết, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, trong khi dân số không ngừng tăng lên… Theo phong tục, thân xác sau khi nằm xuống sẽ được chôn cất, tuy nhiên quá trình phân hủy sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, nhất là các mạch nước ngầm. Vì vậy, với sự hỗ trợ từ chương trình xã hội hóa của UBND TP.Hồ Chí Minh, dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ được khởi động.

DOANH-NH%C3%82N-%C4%90%C4%82NG-THI-XU%C3Doanh nhân Đặng Thị Xuân Hồng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Cơ.

+ Tính một đường đi khá dài không theo kiểu kinh doanh truyền thống, vậy chị sẽ giải bài toán kinh doanh này với việc thu hồi vốn và lợi nhuận như thế nào?

– Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề thời gian, quan trọng là đầu tư như thế nào để mọi người yên tâm với dịch vụ mà mình đưa ra. Dĩ nhiên, đây là một dự án kinh doanh nhưng mang tính xã hội nên chúng tôi không đặt nặng yếu tố thương mại lên hàng đầu, mà tính đến chiến lược đường dài. Trong suốt cuộc đời, mỗi người trong chúng ta ai cũng đều sẽ phải trải qua vòng sinh, lão, bệnh, tử. Vậy làm sao chúng ta được sinh ra an lành, được sống khỏe mạnh và khi rời cõi trần gian này có thể thấy yên bình, không vướng bận. Chính vì vậy mà trước tiên, với dự án này, chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật tốt cho xã hội, rồi khi được đón nhận, lúc ấy sẽ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận. Sau này, khi mô hình đã thể hiện được tính hiệu quả của nó, có thể tôi sẽ kêu gọi thêm các cổ đông đầu tư vào để nhân rộng mô hình này, và cũng có thể đưa Long Thọ niêm yết trên sàn chứng khoán.

+ Ở góc độ nhà đầu tư và phát triển dự án,chị nghĩ sẽ phải chờ đến bao lâu để người dân quen với việc này và chấp nhận?

– Mặc dù hiện đại, đẹp và mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, nhưng tôi hiểu đa phần tâm lý người Việt vẫn quan niệm thân xác sẽ phải về với đất sau khi nằm xuống, vì vậy cũng rất khó nói vì quan niệm này vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cần phải có thời gian để mọi người biết, quen dần và chấp nhận. Có thể là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Long Thọ là mô hình thí điểm Tháp hỏa táng đầu tiên trong cả nước, nhưng tôi tin rằng nó sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Ngoài ra, khi công viên chính thức hoạt động, công ty cũng như Ủy ban thành phố sẽ có những dịch vụ và chính sách cụ thể khuyến khích người dân. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là phát triển để nhân rộng mô hình này, nếu xã hội có nhu cầu, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng.

nha-hang-HUM.jpgMột góc nhà hàng Hum.

+ Được biết chị còn là chủ một chuỗi nhà hàng ăn chay Hum Vegetarian & Lounge Restaurant. Phải chăng chị đã vận dụng rất thành công triết lý của Đạo Phật trong hoạt động kinh doanh của mình?

– Tôi đầu tư Hum Vegetarian & Lounge Restaurant từ khi có duyên đi theo con đường của Phật pháp cũng như tinh túy thu nhập được từ các tôn giáo khác phản ảnh trong bản sắc văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sứ mệnh của Hum không chỉ riêng phục vụ cho việc ăn chay vì đạo, mà còn hướng mọi người đến việc ăn chay vì sức khoẻ. Tôi chú trọng đầu tư vào không gian đẹp, sáng tạo trong chế biến thực phẩm chay, chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ… cho chuỗi nhà hàng chay Hum của mình với mong muốn mang đến sự khác biệt mới lạ, cũng như giúp mọi người có cái nhìn tinh tế và thích thú khi nghĩ đến việc ăn chay.

+ Mỗi người đều chọn cho mình một cách nhìn nhận cuộc đời và đối mặt những thách thức theo cách riêng, còn chị thì sao? Đâu là triết lý kinh doanh của chị?

– Với tôi, điều gì cũng có hai mặt và luôn ẩn chứa sự rủi ro. Triết lý của tôi chính là cái gì đến sẽ đến và tùy duyên. Ví dụ cách đây 4 năm tôi đã đề cập đến việc khởi động chuỗi nhà hàng chay Hum, nhưng không nhận được sự hưởng ứng từ các quản lý. Tôi đã nghĩ, có lẽ đó chỉ là mong muốn của mình thôi. Tôi không ép buộc vì chính họ mới là những người trực tiếp thực hiện kế hoạch. Tôi trao cho họ quyền chủ động và chờ đến khi họ thực sự muốn làm. Không thể nào biết đích xác khi nào là cơ hội, đâu là rủi ro nhưng có lẽ sự nhạy bén đã giúp tôi nhìn ra những cơ hội. Ở từng giai đoạn, có những cơ hội hay rủi ro khác nhau, nhưng tôi vẫn sẵn lòng đón nhận và giải quyết nó. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời luôn có những thăng trầm, nhưng chính những thăng trầm đó sẽ giúp chúng ta có rất nhiều bài học và giúp con người trưởng thành hơn mỗi ngày.

+ Cám ơn chị về những chia sẻ!

Thu Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022