Tết đến Xuân về, một số bạn trẻ "mắc kẹt" giữa 2 luồng suy nghĩ. Một là, mỗi năm chỉ có một lần Tết, thế nên gạt bỏ hết mọi vướng bận để đón chờ khoảnh khắc sum vầy. Nhưng cũng có những bạn trẻ lại cảm thấy sợ Tết vì nhiều nguyên do khác nhau.

Cuộc đua deadline

Cuối năm cũng là thời gian các công ty chạy đua nước rút để kịp tiến độ và hoàn thành mục tiêu năm cũ. Có lẽ vì thế mà đây là lúc công việc của dân công sở trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đó là lý do khiến Hồ Xuân cảm thấy sợ Tết.

vi-sao-nguoi-tre-ngay-cang-so-tetdocx-1671854724221.jpeg Hồ Xuân cảm thấy cuối năm là quãng thời gian đầy tất bật (Ảnh: NVCC).

"Nghĩ đến Tết là lúc một tá công việc cần phải hoàn thành, nào là báo cáo, rồi kế hoạch năm mới… Với những công việc bắt buộc có KPI thì lại càng áp lực hơn nữa. Hay nhiều bạn trẻ chọn cách tăng ca để đẩy hiệu suất công việc lên, ngày nào cũng trở về nhà trong trạng thái kiệt sức, mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc hẳn chẳng ai hào hứng nghĩ về Tết nữa đâu", Xuân kể.

Nỗi lo tiền bạc vì mới đi làm

Những năm trước, Hải Hà (23 tuổi, Hà Nam) không quá áp lực chuyện tiền nong ngày Tết. Tuy nhiên, năm nay Hà đã đi làm nên cô cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm trong việc góp Tết với bố mẹ cũng như chuẩn bị một khoản lì xì và có một số tiền dự phòng chi tiêu những ngày sau Tết.

Hải Hà tâm sự: "Những người mới đi làm như mình lại càng áp lực chuyện tiền bạc hơn. Bởi vì năm nay mình phải làm "người trưởng thành" rồi, không còn là cô sinh viên được bảo bọc bởi gia đình mãi. Mình tự ý thức được trách nhiệm của bản thân và cũng đã có kế hoạch tiết kiệm từ mấy tháng trước.

Với những người mới đi làm thì Tết cũng bộn bề nỗi lo (Ảnh: Shutterstock).

Tuy nhiên, cuối năm mình mua sắm khá nhiều, chuẩn bị quà Tết cho gia đình, đồng nghiệp, sếp… nên cũng tiêu tốn một khoản kha khá. Đôi khi mình không hiểu tại sao mình lại có cảm giác sợ Tết.

Nhìn cuốn lịch vơi đi, lòng lại nặng trĩu. Mình sợ cảm giác Tết không có tiền, hay họ hàng thì cứ xúm vào để hỏi chuyện lương thưởng vì mình đã đi làm rồi mà. Nói chung càng lớn càng có nhiều áp lực nên Tết cũng khó để giữ được dư vị như ngày xưa. Chỉ có điều, đến cuối cùng thì Tết là dịp để gia đình sum vầy sau một năm làm việc vất vả, nên dù cảm thấy áp lực thì cũng đừng ngần ngại chia sẻ với người thân nhé".

Sợ những phán xét và so sánh vô lý

Mai Diệu My (22 tuổi, Ninh Bình) thừa nhận rằng bản thân cô ngày càng không còn cảm giác hào hứng, mong ngóng Tết đến.

Lý giải về điều này, Diệu My bày tỏ: "Mình cảm thấy Tết ngày càng bị "mã hóa". Tết là dịp để mọi người quây quần lại bên nhau và nhìn lại một năm đã qua cũng như đặt ra những mục tiêu cho năm mới.

Diệu My sợ Tết vì phải đối mặt với những phán xét vô duyên (Ảnh: NVCC).

Tết đã từng đơn thuần mang ý nghĩa như thế, nhưng hình như mọi thứ ngày càng phức tạp hơn. Bởi, có những khi, thay vì sum vầy đoàn viên thì chúng ta lại biến Tết trở thành những cuộc gặp mặt để so sánh, soi mói. Rồi còn đó những cuộc nhậu nhẹt, chè chén rồi sinh ra cãi vã không hay. Hay thay vì chia sẻ để thấu hiểu thì lại nhắc đến những con số tiền bạc, lương thưởng.

Với những người trẻ như mình đang trên hành trình trưởng thành có nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rằng bản thân mình sẽ mang nhiều kỳ vọng hơn từ gia đình.

Và Tết cũng dễ dàng trở thành dịp mà người trẻ tụi mình phải nhận phán xét, so sánh từ chính những người thân của mình. "Tầm này tuổi mà bố mẹ vẫn phải nuôi à?" "Học Y mà đầu xanh tóc đỏ thế này thì chữa bệnh được cho ai?"… Đó chỉ là một trong số những câu hỏi mà mình nhận được khi Tết đến. Có lẽ vì thế mà mình ngày càng cảm thấy sợ Tết".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022