Theo Nghị định 88 được Chính phủ ban hành ngày 26/10 về mức phạt và bồi thường vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong trường hợp kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức bị truy cứu hình sự), giảng viên bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với người học nếu có hành vi tương tự với nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong trường.

Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai. Giảng viên nếu kỷ luật sinh viên sai quy định thì phải hủy bỏ quyết định, khôi phục quyền học tập với sinh viên. Những điều khoản liên quan việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của giảng viên và người học là điểm mới của Nghị định 88 so với quy định hiện hành.

-6040-1666940804.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PW3EiUSLfvR8boQ3ro_0_g

Sinh viên Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong buổi thực hành, tháng 12/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong quá trình quản lý hồ sơ người học, nếu giảng viên sửa chữa các tài liệu liên quan việc đánh giá kết quả của sinh viên hoặc lập, lưu trữ, bảo quản hồ sơ không đúng quy định, mức phạt được áp dụng là từ 5 đến 10 triệu đồng. Khi thu, giữ, quản lý giấy tờ của sinh viên không đúng quy định, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt cũ là 2-5 triệu đồng.

Một điểm mới nữa của nghị định này là giảng viên bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được tốt nghiệp. Mức phạt tăng lên 40-60 triệu đồng nếu giảng viên lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật. Trong trường hợp khai man, sửa chữa hồ sơ để được ra nước ngoài, giảng viên bị phạt 10-20 triệu đồng.

Mức phạt tối đa với cá nhân là 75 triệu đồng. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 12/12.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022