Giờ vàng Nhà hát Lớn dành cho nghệ thuật công lập

Những ai ở Hà Nội hay đến Hà Nội từ giờ sẽ có một danh sách kịch mục đầy đặn đến cuối năm để lựa chọn thưởng thức sân khấu, những vở diễn chất lượng cao, những trích đoạn sân khấu truyền thống mẫu mực… Sân khấu được hâm nóng thường xuyên tại Nhà hát lớn và nhất là được ưu ái chọn giờ vàng- những ngày cuối tuần.  Còn đối với các đoàn nghệ thuật công lập, cách làm mới này ít nhiều khuấy động được không khí làm nghề vốn rời rạc trong bối cảnh sân khấu có phần lép vé so với các loại hình nghệ thuật khác. Trước mắt là chọn lại những vở diễn chất lượng cao tại các nhà hát, bước tiếp theo sẽ là đặt hàng những vở diễn mới…

nhahatlon
Nhà hát lớn – Hà Nội

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên: “Chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn nhằm phục vụ công chúng yêu nghệ thuật thủ đô và cả nước bằng những chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung nghệ thuật, đồng thời cũng muốn giới thiệu về Nhà hát Lớn, một di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật quý giá của Hà Nội và Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các đơn vị và nghệ sĩ, với sự đồng hành của Nhà hát Lớn sẽ trở thành một địa chỉ hoạt động văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Hà Nội và Việt Nam”.

 Hiện có 130 đoàn nghệ thuật công lập, với kho tàng lớn các vở chất lượng cao đã dựng sẵn. Chế độ ưu đãi đặc biệt dành cho sân khấu- cơ hội đặc biệt khi các nhà hát không phải lo bán vé, không phải lo kinh phí dựng vở, và các suất diễn vào giờ vàng, ngày vàng của tuần, của tháng… Chủ trương này với mong muốn bước đầu sẽ thu hút được đông đảo các tầng lớp khán giả đến với sân khấu. Khi sân khấu được hâm nóng, có được môi trường sống, lúc đó sẽ tính đến việc sân khấu tự nuôi sống mình bằng nguồn kinh phí thu được từ bán vé và tái sản xuất- dựng vở mới.

Nghệ thuật công lập sống bằng bán vé: đường còn dài!

Từ lâu đi xem sân khấu ở phía Bắc là một động thái hiếm hoi dành cho số đông khán giả, có chăng chỉ vào dịp 1/6 dành cho các cháu thiếu nhi hay dịp Tết, 8/3, 20/10, đa phần chỉ là tặng vé nhân dịp ra mắt vở mới, nhân ngày kỷ niệm gì đó…  Mua vé để đi xem biểu diễn sân khấu vẫn còn hiếm hoi. Việc Nhà hát lớn dành cho sân khấu công lập định kỳ cộng với việc không phải lo toan về kinh phí và bán vé được đánh giá là một cú hích giúp sân khấu được chú ý, được đến với nhiều khán giả hơn. Nhưng để sân khấu chuyển động thật sự cần những thay đổi và dịch chuyển thật sự trong lòng các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. Vì còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn sân khấu có khán giả mua vé vì vở diễn: Có đội ngũ sáng tạo mới, tư duy mới, tâm huyết, tài năng: biên kịch, đạo diễn, diễn viên… Có cơ chế mới để các vở diễn không làm theo tư duy cũ, từ cách thức tổ chức đến nội dung… Và thực tại khi nhìn đội ngũ nghệ sỹ tài năng của sân khấu đang mỏng, hay nhiều ngành đào tạo truyền thống không tuyển được học viên… thì thấy vấn đề còn rất nan giải, con đường để sân khấu phát triển mạnh còn rất dài.

DSCF1498

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái trong buổi gặp gỡ công bố chủ trương đưa sân khấu vào Nhà hát lớn đã nói: “Tôi và NSND Lê Hùng rủ nhau đến cuộc họp báo này để cảm ơn và ủng hộ Bộ VHTTDL đã có một chủ trương chiến lược nhằm tháo gỡ một vấn đề lớn cho sân khấu.” Và: “Báo chí hãy dành những bài viết có hàm lượng văn hóa cao để ủng hộ chương trình”.

Trước mắt, khi chưa nặng về doanh thu bán vé để vở diễn sống chết với nó, theo Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương: “BTC sẽ lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu mang đặc trưng của từng vùng miền, từng thương hiệu đơn vị nghệ thuật trong ngân hàng tác phẩm của 130 đơn vị nghệ thuật công lập, xã hội hóa… để đưa vào kế hoạch biểu diễn. Tôi tin khán giả sẽ có bữa tiệc nghệ thuật với nhiều món ăn hấp dẫn.”Ngoài ra, để hâm nóng sân khấu, ông Nguyễn Đăng Chương nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ mời các đoàn nghệ thuật quốc tế nổi tiếng đưa những tác phẩm hay của họ sang Việt Nam biểu diễn.”

13708316_560094874197836_1507107888832137036_o

Mỗi nhà hát, mỗi đoàn nghệ thuật và mỗi loại hình nghệ thuật đều cần có lối đi riêng để tự tồn tại và phát triển trên chính đôi chân của mình, không có bài toán chung cho tất cả. Việc Nhà hát Lớn mở rộng cửa lần này cho sân khấu, bỏ ngoài vấn đề kinh phí như thông thường có thể cũng mang đến nhiều những gợi ý.  Như: Nghệ thuật truyền thống (tuồng chèo, cải lương, rối), xiếc “bắt tay” với du lịch, những chương trình, tiết mục độc đáo của đơn vị kết hợp với các công ty lữ hành, các khách sạn. Các nhà hát kịch dàn dựng những vở diễn mới gắn chặt với vấn đề nổi bật của đời sống…

Nguồn: congluan.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022