Hai năm trước, ngôi nhà của bà Thái Tú Cầm tại thành phố Tây An bị phá bỏ vì nằm trong diện quy hoạch. Không muốn làm phiền hai con trai đã ở riêng, người phụ nữ 92 tuổi tìm đến các viện dưỡng lão quanh thành phố nhưng không ưng ý. Các con đề xuất thuê nhà riêng cho mẹ, nhưng thấy tuổi bà Thái đã cao, không chủ nhà nào tiếp nhận.

Trước khi tìm ra phương án tốt nhất, các con thuê cho mẹ ở tạm một khách sạn nhỏ gần trung tâm, giao thông thuận tiện. Ban đầu bà Thái dự định ở 10 ngày, nhưng càng sống càng thấy thích rồi nảy ra ý tưởng "Sao không ở khách sạn để dưỡng già?".

"Mẹ không muốn thuê nhà hay tìm viện dưỡng lão nữa. Ở đây có mọi tiện ích như thang máy, hệ thống sưởi, điều hòa, lại luôn có người sẵn sàng giúp đỡ", bà Thái nói với con.

Người phụ nữ này tính toán chi phí ở khách sạn rẻ hơn so với thuê nhà. Nếu tính cả tiền thuê nhà, điện nước cho tới thuê thêm người dọn dẹp nấu nướng, tổng chi phí là 6.000-7.000 tệ (20-24 triệu đồng) một tháng. Trong khi đó nếu ở khách sạn, như nơi bà Thái đang ở chỉ tốn khoảng 5.000 tệ (17 triệu đồng) một tháng. Ngoài lương hưu, người phụ nữ này còn tiền tiết kiệm vẫn gửi ở ngân hàng lấy lãi.

Không những vậy bà còn nhận thấy khi ở khách sạn nếu phát sinh việc gì, chỉ cần bấm nút gọi lễ tân là được giải quyết. Vấn đề ăn uống cũng dễ dàng khi bữa sáng được miễn phí, các bữa còn lại nếu ăn tại chỗ thực đơn cũng rất phong phú. Nếu không thích, bà có thể tự gọi món từ ngoài đem vào.

khach-san-1-1-6546-1711194022.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Io07Tq4-t3OplUnd91768w

Bà Thái ở tại một khách sạn tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Ảnh: The paper

Sau khi ở khách sạn thời gian dài, bà Thái cảm thấy đối với bản thân đó là một cách dưỡng lão hợp lý.

"Sống ở đây, tôi không phải dọn dẹp nhà cửa, có thể làm bất kỳ điều gì bản thân thích mà không sợ bị người khác soi mói, dèm pha", bà nói. Theo người phụ nữ này, nếu ở viện dưỡng lão sẽ không được tự do ra vào, nhưng khi ở khách sạn đi lại thoải mái, con cháu cũng có thể đến thăm bất cứ lúc nào.

Bà Thái cũng rất hài lòng với sự phục vụ của nhân viên khi họ chăm sóc chu đáo và tôn trọng khách hàng. Mỗi khi nắng đẹp, họ sẽ kê cho bà một chiếc ghế đẩu ở ban công để tắm nắng. Khi mang đồ lên phòng, nhân viên cũng sẽ hỏi ý kiến trước mà không tự tiện xâm phạm đến quyền riêng tư của bà.

Hàng ngày bà Thái ngủ dậy lúc 5h sáng và đọc tiểu thuyết trên giường một lúc, sau đó tập thể dục hoặc vật lý trị liệu với ghế massage. 8h bà ăn sáng ở khách sạn, sau đó sẽ bật máy tính để giao dịch cổ phiếu rồi đi dạo, thăm bạn bè và ăn trưa. Bốn giờ chiều sẽ đến bữa tối, đôi khi bà ăn trong nhà hàng ở khách sạn, có lúc lại mua đồ từ ngoài mang về. Sau bữa tối là đọc sách, xem điện thoại và đi ngủ trước 22h30.

Bà Thái cho hay, hơn 90 năm cuộc đời đã phải chịu đựng nhiều gian khổ thì hiện tại là khoảng thời gian êm đềm và hạnh phúc nhất khi được tận hưởng cuộc sống. Bởi vậy hai năm nay, người phụ nữ này vẫn sống theo cách bản thân mong muốn tại khách sạn.

Về phía hai người con của bà Thái, họ cũng ủng hộ quyết định của mẹ khi lựa chọn khách sạn là nơi để bà dưỡng già.

"Mỗi lần chúng tôi đến thăm, thấy bà vui nên các con đều ủng hộ", người con trai cả nói.

Trang Vy (Theo sohu, The paper)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022