Sau đại dịch, các hãng hàng không giá rẻ ở Trung Quốc có lợi nhuận tăng vọt như Spring Airlines báo cáo thu nhập hơn hai tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD) vào năm 2023. Một trong những nguyên nhân của việc làm ăn có lãi này là các biện pháp cắt giảm chi phí nghiêm ngặt như không có bữa ăn miễn phí, chỗ ngồi chật hơn. Đặc biệt, các hãng đều có quy định chặt chẽ về hành lý xách tay để tính thêm chi phí hoặc nhường chỗ cho các kiện hàng vận chuyển trả phí. Trước đây, hành khách ở Trung Quốc thường được mang theo một vali có kích thước 16 inch và trọng lượng tối đa 7 kg lên cabin.

Đối phó với những hạn chế này, các du khách trẻ ở Trung Quốc đã sáng tạo ra nhiều chiêu nhằm trốn phí hành lý khi đi hàng không giá rẻ. Những kinh nghiệm này được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc như Xiaohongshu, Wechat. Phổ biến nhất là mặc thật nhiều quần áo lên người. Họ biến mình thành những tủ quần áo di động, bất chấp các quy tắc thời trang và vẻ ngoài kỳ lạ, miễn có thể giảm được số cân hành lý để tránh phải trả phí.

quan-ao-1937-1711527356.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H4lOtgTDUlZa4FJ4U0NaPQ

Muôn kiểu 'mặc tủ quần áo lên người' của hành khách đi máy bay. Ảnh: xiaohongshu

Một du khách đã mặc tới 6 bộ trang phục thu đông lên người, từ áo vest, sơ mi tới áo khoác dày. Một tài khoản chia sẻ trên Xiaohongshu rằng đã diện 8 bộ trang phục Hán phục truyền thống khi bay tới Australia. "Cô ấy có nhiều trang phục cao cấp, đắt tiền nhưng vẫn muốn tiết kiệm chi phí hành lý, đúng là vừa giàu vừa nghèo", một người bình luận.

Một số người đã sáng tạo ra những cách đóng gói hành lý khác như nhét quần áo vào những chiếc gối ôm cổ hình chữ U. Chúng có tác dụng như một chiếc đệm thoải mái trên chuyến bay. Số khác mang theo những chiếc áo khoác câu cá - loại có nhiều túi - để đựng dây cáp, sạc dự phòng... Nhờ vậy, họ không lo bị thất lạc đồ dùng lại có thể giảm được cân hành lý vì những thiết bị này đều khá nặng.

quan-ao1-8166-1711528609.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eG1JiqzndApY9a4qini2DQ

Một hành khách diện nhiều lớp áo khoác và khăn choàng trước khi lên máy bay. Ảnh: Weixin

Áo vest cũng có công dụng tương tự. Phần túi ngoài có thể đựng được các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm, còn túi trong rộng rãi để được sách và iPad. Thậm chí, một số người còn chế thành túi sau, đựng vừa cả một chiếc máy tính xách tay 16 inch. "Đây quả là một trang phục át chủ bài tối thượng. Nhưng tôi sẽ hạn chế điều này vì không muốn làm việc ngay cả trong chuyến du lịch", một tài khoản viết.

Tạp chí tin tức Vista nhận định xu hướng "chất đống hành lý vào trang phục" đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch. "Lần sau du lịch, tôi sẽ mặc áo câu cá, nó còn tiện hơn cả ba lô", một người nói. "Trước đây tôi từng nhét được 5 kg đồ vào một chiếc áo câu cá. Nó cực kỳ thiết thực", một người khác viết. Tuy nhiên, số khác lại lo lắng bởi nếu diện nhiều trang phục như vậy ở những nơi nắng nóng như Quảng Đông (phía nam Trung Quốc), bạn sẽ bị say nắng ngay khi bước ra ngoài.

Hà Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022