Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng, chèn ép tủy cổ nặng nề. Bệnh nhân được chẩn đoán bị máu tụ ngoài màng cứng tủy sống cổ và chỉ định mổ cấp cứu, cách đây một tuần. Sau 1,5 giờ, các bác sĩ đã lấy được máu tụ, cầm máu, giải áp chèn ép tủy sống.
Hiện bệnh nhân đã hồi phục, được tập phục hồi chức năng.
Ngày 9/10, TS.BS Trương Như Hiển, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, cho biết máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là bệnh ít gặp, lâm sàng thường hay bỏ sót, nguyên nhân là dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, nói khó, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn.
Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hóa cột sống nặng... Tuy nhiên, bệnh ở người trẻ, đặc biệt mới 15 tuổi như trường hợp trên là rất hiếm gặp, theo bác sĩ Hiển.
Bệnh nhân này liên tục chơi game trên điện thoại trong thời gian dài. Trong quá trình đó, nam sinh thực hiện nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ để đỡ mỏi. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột, với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.
Mặt khác, với người có thói quen cúi xuống nhìn vào điện thoại và máy tính bảng để đọc tin nhắn hoặc chơi game liên tục, nguy cơ gây đẩy đầu về phía trước và gia tăng áp lực lên cột sống, các mạch máu bị ứ trệ dễ tổn thương, bác sĩ Hiển nhận định.
Bác sĩ kiểm tra vận động trước khi cho bệnh nhân xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo, người có bệnh lý nền kèm đau, hạn chế vận động cổ vai gáy hoặc đau tê bì lan xuống tay chân, cần đến khám các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể tầm soát phát hiện kịp thời các bất thường của cột sống.
Trong sinh hoạt, vận động và làm việc phải luôn luôn giữ cột sống ở tư thế sinh lý thoải mái nhất, không bị gò bó. Khi nằm không nên sử dụng gối cao, tránh cột sống cổ ở tư thế cúi, gập trong thời gian dài.
Đặc biệt, người làm việc văn phòng hay phải ngồi lâu, cần có khoảng nghỉ sau mỗi 30-45 phút làm việc. Người mắc chứng đau cổ vai gáy, không nên tự ý hoặc để người khác thực hiện các động tác vặn, giật, lắc đột ngột hoặc cố tình thực hiện một động tác nào đó để có tiếng kêu.
Nếu biểu hiện đau, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về thần kinh để được thăm khám, điều trị.
Lê Nga