Khi thử thống kê để tìm ra đề tài được thợ cả và cư dân Đông Sơn ưa chuộng nhất khi đặt làm tượng cho cán dao găm, tôi bỗng nhận ra chủ đề đôi cá sấu nâng voi và trên lưng voi chở thủ lĩnh, thy cúng hay chở đồ vật quý như trống đồng... chiếm số lượng nhiều nhất.

1. Có cả lý do kỹ thuật lẫn x hội để tạo ra sự trội nổi này: Thứ nhất, đôi hổ hay cá sấu vừa với đoạn tay cầm thu nhỏ của cán dao, trong khi đó lưng cong và dài của voi, cả đuôi lẫn đầu, tạo ra phần đốc chắn phía sau rất khít.

Thứ hai, voi là thú thuần dưỡng mạnh nhất trong các loài thuần dưỡng, giúp con người rất nhiều việc, cả trong sản xuất, đi lại, buôn bán lẫn chiến đấu chống kẻ địch. Tuy nhiên, ngay ở thời Đông Sơn, voi không như gà lợn hay trâu bò, thuộc loài thuần dưỡng mang tính "gia súc", tức bất kể gia đình nào cũng nuôi được. Quan sát nhóm gia đình thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên hiện nay có thể thấy, để bắt được voi rừng về thuần hóa thành voi nhà, họ phải rất khỏe, dũng cảm và kỹ năng đặc biệt. Vì thế, voi Đông Sơn sẽ thường là voi của cộng đồng, thuộc về tầng lớp quý tộc bộ lạc (thủ lĩnh, thày cúng, thương nhân lớn...).

Ảnh trái: Cán dao găm nổi tiếng với hai cá sấu dùng miệng đỡ chân voi hai đầu, bên trên lưng là hình hai nữ chúa ngồi xổm (Ảnh do tác giả chụp hiện vật từ sưu tập Hioco, 2008). Ảnh phải: phần cán đôi hổ đỡ voi chở bành có mái che (Sưu tập bảo tàng Barbier - Mueller)

Hình tượng voi đương nhiên được tôn vinh bởi những "mãnh thú" hàng đầu đương thời: hổ và cá sấu. Tôn vinh voi không chỉ là tôn vinh con vật mà chính nó là phương tiện đáng ngưỡng mộ dành cho các sự kiện mà chỉ thủ lĩnh, thầy cúng hay các thương đoàn được sử dụng.

Tại Làng Vạc, cuộc khai quật năm 1973 xuất lộ một dao găm hai rắn quấn đỡ voi chở trống đồng. Một dao găm đôi hổ đỡ voi chở bành có mái che trên lưng... Những cuộc đào bới và dò vớt đáy sông sau này còn đưa ra nhiều dao găm cán tượng thuộc chủ đề cá sấu đỡ voi chở người rất sinh động. Đa số những dao găm dạng này tập trung ở vùng đất Thanh Nghệ.

Chuyên mục "rì rầm" hôm nay, tôi muốn giới thiệu loại dao găm được ưa chuộng nhất này.

2. Loại dao đẹp nhất cũng được tôi nhắc đến nhiều nhất trong nhóm này là kiểu dao có đôi cá sấu đỡ chân voi mang trên lưng hai chị em nữ chúa sinh đôi ngồi xổm mà tôi từng liên tưởng với hình tượng Hai Bà Trưng. Xin chỉ lướt qua ở đây: Tôi đã trực tiếp chứng kiến 4 con dao găm như vậy. Chúng cùng nội dung, nhưng không phải cùng một khuôn đúc.

Con dao găm mà tôi thường minh họa hiện đang thuộc một chủ nhân ở Brussels (Bỉ). Trước khi thuộc về chủ nhân này, dao găm thuộc một Gallery tên là Hioco ở Paris.

Năm 2008, tôi được mời đến Gallery này để tham gia giám định sưu tập Đông Sơn rất lớn mà Hioco mới được chuyển nhượng. Con dao găm này nằm trong số sưu tập đó, trong tình trạng đã lắp phần mũi một thanh kiếm đồng kiểu Hán có sống ở giữa, thay thế cho phần lưỡi có lẽ đã bị gỉ gãy. Tuy nhiên, phần tay cầm gần như còn nguyên vẹn.

nhahangghepfotor-170494602977028336515.jpg

Ảnh trái là con dao găm xuất hiện năm 2014 với tay cầm tạo hình hai cá sấu đỡ chân voi chở chủ nhân phía sau và quản tượng phía trước. Ảnh bên phải là một cây gậy điều khiển voi của quản tượng Đông Sơn với hình trang trí voi bên trên. Phần đầu nhọn đã bị rụng mất

Tôi thực sự bất ngờ và ngỡ ngàng với kiểu cán tượng người thú sinh đôi này và đã chụp hàng trăm tấm hình để lưu trữ. Hiện vật cũng được đưa qua nhiều phòng thí nghiệm thuộc hệ thống giám định CIRAM của Pháp xác nhận tính chân thực của tác phẩm (trừ phần lưỡi gá lắp về sau do tôi phát hiện ra).

Nội dung chính mà thợ cả Đông Sơn muốn thể hiện là hình tượng hai nữ chúa giống nhau ngồi xổm, mặt quay cùng chiều bên phải theo hướng đi của voi, hai tay ôm gối.

Để nhấn mạnh nội dung tôn vinh hai nữ chúa, nghệ sĩ đã gạt đi luật tương quan để hình người, dù ngồi, vẫn choán toàn bộ gấp gần 2 lần chiều cao của voi. Riêng mặt người lớn bằng phần thân người ngồi ôm gối. Chủ đích tôn vinh hình người ngồi trên lưng voi rất rõ.

Những dao găm cùng loại tôi gặp sau này (sưu tập Nguyễn Đình Sử, Dương Chính và Mai Sĩ Tất Thắng) đều có chủ đích tôn vinh như vậy. Đáng chú ý ở loại dao này, hình voi được thể hiện dạng hai đầu có tai nhọn, đối xứng rất giống khuyên tai hai đầu thú Sa Huỳnh.

Năm 2014, khi đang chỉnh lý sưu tập Đông Sơn mang tên CQK tại California (Mỹ) tôi nhận được thông báo kèm ảnh của một dao găm cá sấu nâng voi chở chủ nhân kèm quản tượng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chúng kiến loại cán tượng này.

Phần đôi cá sấu ôm áp bụng vào nhau, dùng miệng đỡ chân voi thì khá quen thuộc, nhưng khối tượng voi tạo hình rất sinh động, bên trên cõng theo hai người, một người ngồi phía sau dáng chủ nhân và một người ngồi trên đầu voi đúng vị trí quản tượng. Cả hai mặt nhìn thẳng theo hướng voi đi.

Về cấu trúc thì cán dao này vẫn dựa trên nguyên lý dùng thân hai con cá sấu làm tay cầm chính, lưng voi tạo vành cong chắn đốc. Tuy nhiên, hai người ngồi không được cố tình đôn lên lớn hơn như tỷ lệ đã thấy ở dạng dao hai nữ chúa sinh đôi mà ở tương quan tỷ lệ giống như đã thấy ở trên hình khắc shaman nhảy múa trên trống đồng. Tức tỷ lệ người so với voi chỉ nhỉnh hơn khoảng 50% so với tả thực.

Con dao găm này do nằm trong đất nên bị gỉ xanh, được tạo bằng khuôn sáp đúc một lần như mọi tượng Đông Sơn khác. Voi và người được trang trí khắc vạch rất đẹp. Hiện thuộc sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn (Hà Nội).

3. Trong những năm gần đây, loại dao găm Đông Sơn cán cá sấu đỡ voi chở hai người vớt được thêm nhiều ở sông Mã. Tôi đã được xem chi tiết dao găm chủ nhân Gallery 333 (Bangkok, Thái Lan) sưu tập được từ những ngư dân mò hến hay thợ hút cát vùng sông Mã/ Chu.

Cùng thời điểm đó, trên mạng facebook xuất hiện hàng chục chiếc dao vớt sông cùng kiểu. Thậm chí cả một đôi dao vớt sông còn đang trong tình trạng gỉ két dính chặt vào nhau. Những dao này giống nhau như đúc cùng một khuôn, thật khó phân biệt thật giả.

voi-17049460298221079363566.jpg

Voi chở diễn xướng shaman (hình khắc trên thân trống sưu tập Mai Xuân Trường, Hà Nội).

Đề tài người trên lưng voi khá đa dạng trong nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt trên một số trống đồng Tây Âu, cảnh shaman cầm quạt múa trên lưng voi bên người thổi khèn và quản tượng rất thuyết phục được khắc trên thân trống thuộc sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội), cũng lại từng thấy trên một lưỡi rìu thuộc Bảo tàng Phạm Huy Thông (Kim Bôi, Hòa Bình)... khẳng định sự gắn bó của voi trong các lễ nghi Đông Sơn. Điều này thẩm thấu trong dân gian hình ảnh những nữ tướng Việt Nam cưỡi voi đánh giặc trong thời Đông Sơn như Bà Trưng, Lê Chân, Bà Triệu...

"Để nhấn mạnh nội dung tôn vinh hai nữ chúa, nghệ sĩ đã gạt đi luật tương quan để hình người, dù ngồi, vẫn choán toàn bộ gấp gần 2 lần chiều cao của voi" - TS Nguyễn Việt.

                                                                    (Còn nữa)

Người Đông Sơn vẽ, nặn về người Đông Sơn (kỳ 11): Độc lạ trên một cán dao găm Đông Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022