Giáo sư Vũ Sinh Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y tế, cho biết sốt xuất huyết chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi, chăm sóc nhiều ngày để phòng tránh trở nặng. Trong khi đó, virus sốt xuất huyết thường tạo thành các vụ dịch lớn khiến công tác điều trị khó khăn, có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

Quá trình phòng chống cũng gặp nhiều thách thức như: tốn kém nguồn lực để tìm ra giải pháp phòng virus gây bệnh nhưng chưa có kết quả; chưa có giải pháp toàn diện để quản lý bệnh.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO khuyến nghị các quốc gia có gánh nặng về bệnh sốt xuất huyết áp dụng thêm biện pháp vaccine.

Một chuyên gia y khoa nhận xét trên tạp chí Lancet vào tháng 2, kỳ vọng vaccine trở thành vũ khí mới đối phó với dịch bệnh này. Còn giáo sư Nam nhận định vaccine là giải pháp cấp thiết, giúp chủ động phòng sốt xuất huyết từ sớm.

anh-takeda-4311-1714106633.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AwYOobUuHhCP8STNiIxIAg

Một loại vaccine sốt xuất huyết được sử dụng tại Brazil. Ảnh: Takeda

Hiện vaccine sốt xuất huyết đã được đưa vào sử dụng tại châu Âu, Brazil, Indonesia... Trong đó, Brazil áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 3/2023, nỗ lực ngăn chặn số ca bệnh ngày một tăng cao. Tính từ đầu năm đến 15/3, quốc gia này đã ghi nhận 1,6 triệu ca mắc và nghi mắc.

Tại Việt Nam, một số vaccine đang tham gia thử nghiệm lâm sàng và đã có vaccine đang trong quá trình chờ cấp phép. Quá trình cấp phép được xét duyệt kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng để đảm bảo tính an toàn trước khi sử dụng cho người dân.

Giáo sư Nam kỳ vọng vaccine sốt xuất huyết sớm có mặt tại Việt Nam. Theo ông, vaccine có thể kết hợp với phương pháp truyền thống như diệt muỗi, kiểm soát ổ dịch, sử dụng màn và mặc quần áo dài tay... nhằm tăng thêm khả năng phòng chống dịch bệnh. Biện pháp có thể hữu ích trong bối cảnh người dân chưa thực hiện các biện pháp phòng sốt xuất huyết, một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ để chống dịch; năm 2022, nhiều địa phương thiếu thuốc điều trị các ca bệnh nặng, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.

Bệnh sốt xuất huyết là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia tại Đông Nam Á và Mỹ La tinh kể từ đầu năm. Trong quý I, Thái Lan ghi nhận hơn 20.000 ca mắc, gấp đôi so với cùng kỳ 2023; trong đó 27 ca tử vong. Singapore có hơn 5.000 ca mắc, 7 ca tử vong. Khu vực Mỹ La tinh và vùng Caribe có hơn 3,5 triệu ca mắc, hơn 1.000 ca tử vong, gấp ba lần so với cùng kỳ 2023.

Tại Việt Nam, trong quý I, nhiều địa phương đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh, được tính vào cuối chu kỳ dịch 2023. Hà Nội ghi nhận hơn 500 ca mắc, trung bình 10-17 ca một tuần, tăng so với cùng kỳ 2023; TP HCM ghi nhận tổng cộng hơn 2.100 ca tính tới hết tháng 3; Cần Thơ có 168 ca, không có ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận thống kê của Bộ Y tế, cho biết toàn quốc có khoảng 12.000 ca mắc tính đến ngày 3/3, trong đó từ ngày 26/2 đến 3/3 ghi nhận 857 ca, khoảng 690 trường hợp phải nhập viện.

Tháng 11/2023, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính sốt xuất huyết gây ra gánh nặng kinh tế lên tới 8,9 tỷ USD.

Văn Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022