4286105297131433474696734178716879353173088n-1708601287411354133462.jpg

Hai anh em Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh - Ảnh tư liệu

Thông tin được ông Nguyễn Trung Trực (chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh) - đại diện gia đình cố nhạc sĩ - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online chiều 22-2 nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28-2), 23 năm ngày mất (1-4) của nhạc sĩ.

"Nhạc Trịnh Công Sơn cần thay áo"

Hằng năm, chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt những người yêu nhạc Trịnh.

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật tưởng niệm ở nhiều tỉnh, thành do các cá nhân, tổ chức hâm mộ nhạc sĩ họ Trịnh tổ chức, gia đình cố nhạc sĩ cũng đứng ra thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật lớn.

Tuy nhiên năm nay sẽ có nhiều đổi khác. 

Thay vì chương trình nghệ thuật, gia đình sẽ tập trung vào những hoạt động khác như xây trường học, từ thiện, tiếp tục phát triển quỹ học bổng Trịnh Công Sơn, các hoạt động văn hóa và ủng hộ các chương trình nghệ thuật của thế hệ trẻ.

"Gia đình nghĩ, nhạc Trịnh đã đến lúc cần một sự chuyển giao, thay áo để tiếp cận thế hệ trẻ", ông Trực nói.

7a7c7960-4de7-459d-a214-cd8743089c52-17086021987561192494620.jpg

Tượng Trịnh Công Sơn sẽ được đặt ở công viên Trịnh Công Sơn (TP Huế) ngày 28-2 tới - Ảnh: GĐCC

Loạt hoạt động kỷ niệm

Ngày 28-2 này, tượng Trịnh Công Sơn sẽ được đặt tại công viên Trịnh Công Sơn nằm trên đường Trịnh Công Sơn, TP Huế. 

Ở sự kiện này, gia đình sẽ làm một đêm nhạc nhỏ, có sự tham gia của các ca sĩ Đức Tuấn, Giang Trang, Lã Anh Thư, Tấn Sơn.

Theo em rể nhạc sĩ, lúc còn sống, Trịnh Công Sơn là một nhà giáo. Ông luôn đau đáu tới phát triển văn hóa và giáo dục.

Trong thời gian qua, quỹ học bổng Trịnh Công Sơn và gia đình đã làm việc với các đơn vị tài trợ để xây dựng các điểm trường cho bà con đồng bào dân tộc ở xã Thượng Long (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), B'Lao (Lâm Đồng).

Thừa Thiên Huế là quê hương của nhạc sĩ, Buôn Ma Thuột là nơi nhạc sĩ chào đời, B'Lao là nơi nhạc sĩ từng dạy học.

"Hiện điểm trường ở Nam Đông đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến khánh thành nhân ngày mất của nhạc sĩ", kiến trúc sư Nguyễn Gia Phong (trong nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào) chia sẻ.

z51830726886110ddcee8787f0b3714da72808993a2187-17086018833791773031757.jpg

Phối cảnh trường Trịnh Công Sơn ở huyện Nam Đông - Ảnh: NGUYỄN GIA PHONG

Điểm trường này có 95 học sinh từ 16 - 40 tuổi, trong đó, 40 học sinh học tiểu học theo chương trình xóa mù chữ cho các em bỏ học sớm và 55 người học trung học phổ thông kết hợp dạy nghề.

Sau khi điểm trường xây xong sẽ mở thêm lớp xóa mù chữ cho các chị, các mẹ ở đây.

Gia đình và các kiến trúc sư đang khảo sát địa điểm để xây hai điểm trường còn lại, dự định khánh thành trong năm 2024 - 2025.

Đây cũng là năm gia đình hoàn tất chương trình mang áo ấm cho các em miền núi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La.

27928519149829468384681511745493591727676404n-17086029678151834629413.jpg

Thay vì những chương trình nghệ thuật lớn, năm nay gia đình Trịnh Công Sơn chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ khác - Ảnh: GĐCC

Trong Festival vì hòa bình tại Quảng Trị (tháng 7-2024), dự kiến sẽ có đêm nhạc Trịnh Công Sơn vì hòa bình.

TS Nguyễn Nam (Đại học Fulbright Việt Nam) kết hợp gia đình, cùng với sự giúp đỡ của thầy Trung Hải ở Huế thành lập nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn.

Nhóm sẽ ra mắt ngày 1-4 này.

Trong năm 2024, gia đình không đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật lớn nhưng sẽ sát cánh, ủng hộ các chương trình do các nghệ sĩ trẻ thực hiện. Có thể kể đến như các nghệ sĩ Tùng Leo, Onionn…

Sắp tới, một nhân tố bí ẩn - cháu cố nhạc sĩ - cũng sẽ được gia đình tiết lộ trong thời gian tới.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022