Người phụ nữ 78 tuổi, quê Nam Định trước đây cùng chồng mưu sinh nhờ một quán nước vỉa hè. Ngày bà đi bán hàng, tối về sẽ được ông nấu cơm cho ăn. Hai ông bà già hủ hỉ đủ chuyện mới ngủ. "Giờ về phòng chỉ muốn khóc", bà nói.

Năm 1975, chồng bà Hằng từ chiến trường trở về quê khi con trai được 5 tuổi. Vợ chồng định sinh thêm vài đứa con nhưng thấy ba đồng đội của ông Tùng sinh con đều có vấn đề do di chứng da cam. Nghĩ con mình cũng không tránh khỏi nên có bầu hai tháng bà Hằng lại bỏ.

Xác định chỉ có một con nên vợ chồng bà Hằng chuẩn bị kỹ tài chính cho tương lai. Họ lên Hà Nội mưu sinh, mỗi người một quán nước vỉa hè. Tiền làm ra, ông bà tích lũy lo thân, thỉnh thoảng phụ giúp con nuôi bốn đứa cháu tuổi ăn học.

Cuộc sống bình lặng trôi qua. Bà Hằng nghĩ một con không là vấn đề khi đã chuẩn bị tài chính lẫn tâm thế. Nhưng năm trước, ông Tùng phát bệnh nan y.

Con trai bà Hằng là xe ôm, con dâu buôn bán nhỏ ở quê. Những ngày ông Tùng điều trị ở bệnh viện K Tân Triều, con chỉ đến thăm, phụ chăm bố được vài ngày rồi về. "Nó còn phải đi làm nuôi con", bà giải thích.

Ở viện, bà Hằng một mình chăm sóc chồng, xin cơm từ thiện hay mua cơm quán để hai vợ chồng ăn qua bữa. Áp lực nhất với bà là những lúc nâng nhấc chồng đứng lên ngồi xuống.

"Ông ấy ốm yếu, nhưng mình cũng chẳng trẻ khỏe gì", bà nói. Nhìn người bệnh xung quanh thi thoảng lại có con cháu tới thăm, hai người già hay khóc vì tủi thân, ước có thêm vài đứa con.

z5386096451910-f966c3bf1363f94-3264-3277-1714786671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nlzUUojgLlSK2GbMGFX0BQ

Bà Hằng bán nước tại một vỉa hè ở Cầu Giấy, Hà Nội, cuối tháng 4/2024. Ảnh: Phạm Nga

Vợ chồng ông giáo Trần Quang Đức, 70 tuổi, ở Hà Nội chưa phải chịu cảnh ốm đau hay túng thiếu khi về già, nhưng lòng luôn muộn phiền.

Ông bà trước dạy chung một trường cấp ba. Ngày đó, ở trường có quy định mỗi giáo viên chỉ sinh hai con, cách nhau ít nhất 5 năm. Họ sinh được một con gái rồi kế hoạch như quy định. Khi con gái được 5 tuổi, vợ chồng muốn sinh thêm nhưng không được.

Tuổi già của ông bà có lương hưu, có bạn cùng tổ dân phố để giao lưu. Có điều, trong sâu thẳm, hai người già vẫn thấy trống trải khi bạn bè có con cháu đầy nhà, còn con gái ông lấy chồng hơn chục năm không thể sinh con, dẫu chạy chữa cả trong lẫn ngoài nước. Những ngày lễ, Tết nhà ông "vắng như chùa bà Đanh".

Không chọn ép mình vào quy định như ông Đức, ông Phạm Minh Thi, 70 tuổi, ở Đắk Lắk chấp nhận mất việc để sinh thêm đứa con thứ ba. "Vợ chồng tôi luôn muốn có ba con chúng có thể nương tựa vào nhau và mình cũng đỡ cô độc khi về già", ông nói.

Mất việc, hai vợ chồng buôn thúng bán bưng nuôi ba con ăn học. Họ vỡ kế hoạch nên có thêm đứa con thứ tư khiến những bữa ăn khoai, sắn nhiều hơn cơm. Nhưng bây giờ, khi tuổi già đến, ông Thi thấy những hi sinh ngày trẻ hoàn toàn xứng đáng.

Bốn người con của ông hai đứa lập nghiệp ở xa, hai người sống gần cha mẹ. Người anh cả làm ăn khấm khá phụ giúp được hai đứa em ở quê, nâng đỡ các cháu học hành nên cuộc sống của ai cũng đều êm ấm. Ông bà sống riêng nhưng mỗi tối và cuối tuần đều có con cháu tới chơi. Chân đau, muốn đi đâu ông gọi là có người tới đón. Lo lắng điều gì, ông cũng có con, người tin tưởng tuyệt đối để trò chuyện.

"Đứa ở xa làm ăn được thi thoảng biếu tiền bố mẹ mua thuốc bổ. Đứa ở gần thì sớm tối đều ghé qua", ông nói. Ông Thi nói thấy hạnh phúc nhất là những lúc ốm, mệt, bốn đứa cháu nội ngoại cùng xúm lại xoa bóp, đấm lưng cho. Các con thay nhau chợ búa, nấu giúp ông bà bát canh. Dẫu ở xa, một cuộc gọi của hai người con cũng khiến ông bà thấy được an ủi.

z5386089690718-e7c0ebe6e9a48a5-6038-1965-1714786671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rqd1cA2Nsm-TgZZzSq4jMQ

Ảnh minh họa: Phạm Nga

Nỗi cô đơn vì tuổi già thiếu con cái để nương tựa như ông Đức và bà Hằng không hiếm. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2021 Việt Nam có 12,58 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 4,3 triệu sống một mình hoặc cùng người dưới 15 tuổi cần hỗ trợ chăm sóc. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình và giới, tỷ lệ người người cao tuổi sống cùng bạn đời (không cùng con) tăng từ 9,5% (năm 1987) lên 50,4% (năm 2017).

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cho rằng nỗi cô đơn là điều gần như chắc chắn xảy ra với hầu hết người cao tuổi ít con cái. "Đông con thì đứa này nghèo khó hay bất hiếu còn có đứa khác", bà nói.

Tình cảnh sẽ càng bi đát hơn khi người con có kinh tế khó khăn và cha mẹ già lại không có tiết kiệm. "Mà người già không có tiết kiệm phổ biến ở Việt Nam", bà Tâm nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, trưởng khoa Xã hội học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng việc chỉ có một con là một thách thức lớn với người cao tuổi, bởi khi cha mẹ già cũng là lúc con bước vào tuổi trưởng thành. Lúc này, người con không chỉ lo phát triển sự nghiệp mà còn phải chăm sóc gia đình riêng, không có nhiều thời gian ở cạnh chia sẻ, chăm sóc cha mẹ già. Có một đứa con, khả năng cha mẹ được quan tâm lại càng ít hơn.

"Lúc đó, người con sẽ gặp xung đột trong vai trò làm con, đồng thời làm cha mẹ của gia đình nhỏ và bảo đảm sự nghiệp", bà Nguyệt Anh nói.

Các chuyên gia xã hội học cảnh báo giảm sinh sẽ tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động.

Bà Nguyệt Anh khuyên người già nên có kế hoạch về sức khỏe, tài chính để giảm bớt áp lực cho chính mình và con cái. Cần xây dựng tâm thế không dựa hoàn toàn vào con, giảm áp lực cho con bằng cách tham gia vào các mạng lưới có thể hỗ trợ mình như bạn bè, đoàn thể, hàng xóm, cộng đồng địa phương.

Theo bà Tâm, mỗi người cao tuổi nên có một đam mê, một thú vui để tập trung vào. Nên duy trì tình bạn chất lượng để có người uống trà, trò chuyện, chia sẻ niềm vui. "Nếu không may không còn bạn đời, có thể tìm một người khác giới để bầu bạn. Không cần làm đám cưới, không cần ở chung, nhưng có thể ở bên mình khi cần'', bà Tâm nói.

Sau khi chồng mất, con trai khuyên bà Hằng về sống cùng, nhưng chỉ được vài tháng bà lên lại thành phố. Người mẹ nghĩ mình còn sức khỏe nên sẽ cố làm việc, tích lũy.

Bà ước nếu có thể sẽ sinh ba con, trong đó có một người con gái để có thể tâm sự. Bà cho rằng tiền bạc nhiều bao nhiêu cũng không thể mua được tình cảm mà chỉ con cái mới có thể mang đến cho cha mẹ.

"Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, mất ngón này còn có ngón khác bù. Nếu chỉ có một thì lấy đâu bù", bà nói.

*Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022