Theo tìm hiểu của phóng viên, dòng sông Đáy bắt nguồn từ phía Tây Hà Nội (trước kia là tỉnh Hà Tây) chảy xuyên qua tỉnh Hà Nam đến ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và Nam Định, nơi đây có 2 làng cùng có chữ "La" đầu tiên là La Ngạn thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên Nam Định và La Mai thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, Nình Bình là làng khoa bảng.

Làng La Mai thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư - Ninh Bình được cho là có lịch sử lâu đời, có vốn gốc từ xưa theo Nho giáo nổi tiếng với phẩm chất thông minh và hiếu học, đỗ khoa bảng nhiều thế hệ khoa danh còn lưu lại trên bia đá cho đến bây giờ. Nơi đây có câu ca nổi tiếng, "Sinh đồ họ Tống, Hương cống họ Bùi".

Trong sách "Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình" có ghi chép lại, La Mai vốn là một làng ven dòng sông Đáy, được quy hoạch theo phép tỉnh điền xưa. Giữa làng có một con đường chính chạy từ đầu đến cuối làng, phía Bắc có con đường phụ chạy song song với con đường chính và có con ngòi chảy dọc.

hl-17136924609401519803089.jpg

Làng La Mai, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Cắt ngang đường làng có bảy con đường chạy theo hướng Bắc - Nam, chia thành 6 ô. Bởi vậy, người La Mai xưa ca ngợi: Địa hình La Mai/ Son tú thủy nhai/ Văn tinh tiền án/ Hậu sơn kỳ bài/ Liên hoa xuất thủy/ Vạn khoái oanh hồi. Tên làng La Mai có ý nghĩa làng "lụa mềm", bắt nguồn từ nghề dệt lụa xa xưa.

Theo truyền thuyết, thời Ngô (tức Minh) sát phu, hiếp phụ tàn phá làng. Ông Đinh Phúc Tướng và ông Bùi Xuân Mai đã giả mù giả què vào núi Dược lánh nạn, rồi trở về lập lại làng. Câu đối ở chùa Thượng đã nói lên điều đó: Mai ấp lập thành sắp tự Đinh Thúc Thủy/ Liên đài sảng khải khởi ư Bùi Xuân Tiên. Sau đó, làng La Mai được xây dựng lại vào thế kỷ XV. 

Theo danh sĩ Nguyễn Từ Mẫn chép trong "Ninh Bình toàn tỉnh địa chí biên khảo" cho biết, làng La Mai qua các triều đại phong kiến Việt Nam có tổng số 36 người đỗ cử nhân (Hương cống). Trong đó, họ Tống có 20 người, họ Bùi có 11 người, họ Đinh có 3 người, họ Phạm 1 người, họ Nguyễn 1 người.

Người dân làng La Mai cho rằng, chính hình thế "Văn tinh tiền án/Hậu sơn kỳ bài" đã giúp nơi đây trở thành làng khoa bảng nổi tiếng thuở xưa, ở đây gần như người người, nhà nhà đi học.

lmm-17136925330412012866175.jpg

Làng La Mai qua các triều đại phong kiến Việt Nam có tổng số 36 người đỗ cử nhân (Hương cống). Trong đó, họ Tống có 20 người, họ Bùi có 11 người, họ Đinh có 3 người, họ Phạm 1 người, họ Nguyễn 1 người.

Chính vì thế, người làng La Mai thường truyền tụng câu ca, "Sinh đồ họ Tống, Hương cống họ Bùi", như đã nêu ở trên. Câu ca này truyền lại từ đời này sang đời khác, nhằm ghi nhận sự hiển đạt, chỉ nếp mến chuộng sự học của người làng La Mai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, làng La Ngạn ở xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng có dòng họ Đỗ nổi danh khoa bảng. 

Cụ thể, tổ đời thứ 9 của dòng họ Đỗ là Đỗ Huy Cảnh, đỗ cử nhân khoa bẳng vào năm Kỷ Mão (năm 1819). Ông là người đầu tiên của huyện Ý Yên xưa đỗ cử nhân dưới triều Nguyễn. Đỗ Huy Cảnh làm quan trải 3 đời triều Nhà Nguyễn gồm: Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông là một vị quan thanh liêm, trong sạch, cư xử đúng mực, hết lòng bảo vệ lẽ phải và bảo vệ dân nghèo.

nd-17136924610971009495523.jpg

Song song với làng La Mai, bên bờ sông Đấy làng khoa bảng La Ngạn ở xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng chẳng kém cạnh, đặc biệt nổi tiếng có dòng họ Đỗ nổi danh khoa bảng chữ nghĩa.

Khi Đỗ Huy Cảnh làm Bố chính ở tỉnh Sơn Tây, ông đã có công giúp nhân dân xã Mông Phụ bài trừ một số tệ và cải cách chế độ thuế khóa bất hợp lý, nên được nhân dân tôn kính và phong ông là Phúc thần giáng đản, lập sinh từ và dựng bia cho ông tại đình. Chính vì vậy, trong cuộc đời làm quan của mình, ông đã 2 lần bị cách chức lưu quan chỉ vì thương dân mà làm trái lệnh triều đình...

Bên cạnh đó, con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển đỗ phó bảng năm 1841. Chưa hết con trai của Đỗ Huy Uyển là ông Đỗ Huy Liêu cũng đỗ Hoàng giáp năm 1879. Một số người khác trong gia đình tuy không tham gia khoa cử nhưng vẫn học giỏi và làm nghề dạy học. Đây là gia đình mà cha con, ông cháu đều đỗ đạt.

Trong các nhà khoa bảng La Ngạn, nổi tiếng nhất là Đình nguyên Đỗ Huy Liêu. Năm Đinh Mão (năm 1867), ông đi thi Hương đỗ giải nguyên, được bổ làm Điển tịch Viện hàn lâm, huấn đạo huyện Yên Mô, Ninh Bình.

dhl-1713693021103810427936.jpg

Đình Mông Phụ - nơi có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh, ông nội của ông Đỗ Huy Liệu.

Năm Kỷ Mão (1879), ông thi Hội (ân khoa) đỗ thứ 8. Tại cuộc thi đình, ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) nên được tục gọi là Hoàng Giáp Liệu. Trong kỳ thi này, bài thi của ông được vua Tự Đức chuẩn phê: "Quả có thực học, những kẻ giẫm theo vết mòn không thể làm được".

Sau thi đỗ hạng cao, ông Đỗ Huy Liêu được bổ làm Hàn lâm viện trước tác. Sau đó, được bổ nhiệm giữ chức Tri phủ Đoan Hùng (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Tháng bảy năm Canh Thìn (tức năm 1880), triều đình đổi ông làm Tri phủ Lâm Thao. Tháng tư năm Nhâm Ngọ (tức năm 1882), ông được thăng làm Án sát Hà Nội,... sau đó cuộc đời ông trải qua nhiều biến cố trong lịch sử và qua đời ở quê nhà tại làng La Ngạn, huyện Ý Yên...

Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa tìm ra mối liên hệ giữa hai làng thuộc 2 tỉnh khác nhau nhưng cùng ven bờ sông Đáy, đều tên đầu là La. Truyền thống khoa bảng của 2 làng mãi còn khắc ghi và lưu truyền đến thế hệ sau này.

Bên cạnh đó, dòng họ Tống làng La Mai được đánh giá tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài. Dòng họ này luôn để dành một khoản tiền lớn làm quỹ khuyến học, hằng năm vào các dịp lễ Tết, giỗ tổ,… đều tổ chức động viên con cháu trong họ không ngừng phấn đấu học tập.

lmmm-17136925332151710649423.jpg

Dòng họ Tống làng La Mai được đánh giá là dòng họ tiêu biểu về công tác khuyến học, khuyến tài. Dòng họ luôn để dành một khoản tiền lớn làm quỹ khuyến học, và hàng năm vào các dịp lễ, Tết, giỗ tổ… đều tổ chức phát phần thưởng động viên con cháu trong họ không ngừng phấn đấu học tập.

Họ Tống cũng có nhiều người thành đạt ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, học thuật, nghệ thuật.

Với truyền thống hiếu học và thành tựu nổi bật, góp phần vào công cuộc kiến thiết và xây dựng đất nước quê hướng, ngay từ năm 2003 họ Tống trở thành "Dòng họ hiếu học" đầu tiên được vinh danh của huyện Hoa Lư.

Mặt khác, tại làng La Ngạn, hiện nay họ Bùi là dòng họ có truyền thống hiếu học tiêu biểu của huyện Ý Yên chứ không còn là dòng họ Đỗ. Phần đông người dân trong họ đều coi trọng giáo dục, chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Mỗi gia đình trong họ tự nguyện đóng góp cho quỹ khuyến học để mọi người cùng có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác khuyến học dòng họ.

Năm 2016, dòng họ Bùi được địa phương tặng bức trướng "Dòng họ hiếu học" vì nhiều năm dẫn đầu xã về phong trào khuyến học.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Quy định học sinh, sinh viên không được làm thêm quá 20 giờ.tuần

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022