"Tim bẩm sinh là bất thường bẩm sinh thường gặp nhất, là một trong những lý do gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh", giáo sư Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết tại Hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ I, hôm 21/8, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước về y học bào thai và phẫu thuật tim bẩm sinh.

Tại Việt Nam, khoảng 8.000-10.000 trẻ mắc tim bẩm sinh chào đời hằng năm, trong đó 50% bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi đến lượt. Vì thế, việc quan trọng nhất ban đầu phải sàng lọc, chẩn đoán bệnh, tìm phương án điều trị cho sản phụ trong lúc mang thai, khi sinh và cả sau sinh.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phát hiện sớm các bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh và có chiến lược chăm sóc, điều trị cho các sản phụ cho tới khi em bé chào đời. Như bệnh nhân 41 tuổi, mang thai lần 3, trên siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai có nhịp nhanh trên thất, phù thai, dịch màng phổi 2 bên. Thai phụ được chỉ định điều trị nội khoa, không còn phù thai, sau đó được được mổ lấy thai chủ động, nhịp tim thai của trẻ trở về bình thường. Đây là một trong những trường hợp mắc tim bẩm sinh được quản lý thành công trước sinh.

Mới đây nhất, sản phụ 33 tuổi được phát hiện bào thai ở tuần 22 cũng mắc tim bẩm sinh, được điều trị sớm. Ngay sau khi chào đời ở tuần 39 bằng sinh thường, thai nhi được chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương để mổ sửa chữa trái tim.

1-1692620895-8285-1692621066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YicR0T-B1GnpwnkShyiF-w

Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Ánh, có 29% trường hợp bỏ sót hoặc không chẩn đoán ra hoặc chẩn đoán không hết bệnh lý tim bẩm sinh. Có nhiều thai nhi chào đời tử vong nhanh vì không được chẩn đoán trước sinh đúng, từ đó có phương án phẫu thuật can thiệp tim kịp thời trong 24 giờ sau khi chào đời.

Thời điểm siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh tốt nhất trong khoảng 18-22 tuần, có thể khảo sát toàn bộ cấu trúc giải phẫu của tim. Tuy nhiên, có một số bất thường có thể phát hiện muộn sau giai đoạn này gồm rối loạn nhịp, viêm cơ tim, suy tim, hở hoặc hẹp van tim, các khối u tim.

"Khi được chẩn đoán có bất thường tim bẩm sinh, cần có kế hoạch quản lý thai kỳ, chiến lược hồi sức sơ sinh cũng như theo dõi và điều trị sau sinh", bác sĩ Ánh nói, thêm rằng bệnh lý tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh tương đối cao.

Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như suy, loạn nhịp, nhiễm trùng tim, tăng áp động mạch phổi, thậm chí tử vong.

2-1692620967-8806-1692621066.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cjNUQi83eXmU_cJGzMW2Dg

Giáo sư Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tại hội nghị, Giáo sư Yves Ville, Trưởng khoa Sản và Y học bào thai, Bệnh viện Necker Enfants Malades và Đại học Paris, cho hay thế giới mỗi năm có khoảng 1-1,5 triệu trẻ em sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh. Có khoảng 1/4 trẻ mắc dị tật tim cần phẫu thuật trong năm đầu sau sinh, 4,2% số tử vong sơ sinh do dị tật tim bẩm sinh.

Theo giáo sư Yves, chẩn đoán trước sinh là một phần lớn của tảng băng chìm và nhiều người chưa để ý tới vấn đề này. Trong khi đó, chẩn đoán trước sinh giúp lựa chọn được bào thai có khả năng sống tốt nhất sau khi chào đời hoặc trường hợp nào phải đình chỉ thai nghén. Đặc biệt, khi phát hiện thai nhi mắc tim bẩm sinh, các bác sĩ lập kế hoạch sinh nở, chăm sóc, dự đoán nhu cầu chăm sóc sau sinh để giúp thai nhi có khả năng tiếp cận y tế tốt nhất sau khi chào đời, tránh tổn thương não do thiếu oxy.

"Dị tật tim nặng cần can thiệp 24 giờ sau sinh và rõ ràng chẩn đoán làm tăng khả năng sống sót gấp 2 lần của trẻ", giáo sư Yves nhấn mạnh.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022