Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học Dartmouth thực hiện, xuất bản trên tạp chí Science Daily ngày 12/4. Nhóm nghiên cứu phân tích nồng độ PFAS trong hải sản tươi sống và khảo sát toàn khu vực New Hampshire để đi đến kết luận trên. PFAS là viết tắt các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu, vì chúng có thể sống trong môi trường, kể cả cơ thể hàng nghìn năm. Chúng không bị phân hủy nên có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Các nhà nghiên cứu đo nồng độ của 26 loại PFAS trong mẫu sinh vật biển được tiêu thụ nhiều như cá tuyết, cá tuyết chấm đen, tôm hùm, cá hồi, sò điệp, tôm và cá ngừ. Hải sản mua từ một khu chợ ven biển New Hampshire. Họ báo cáo tôm và tôm hùm có nồng độ hóa chất vĩnh cửu cao nhất, mức trung bình lần lượt là 1,74 và 3,30 nanogam trên mỗi gam thịt. Nồng độ PFAS riêng lẻ trong các loại cá và hải sản khác là dưới 1 nanogam mỗi gam thịt.

Theo nghiên cứu, người ăn quá nhiều hải sản có khả năng phơi nhiễm perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl. Các chất này thường được sử dụng trong bọt chữa cháy, Teflon, bề mặt chống dính hoặc chống ố và bao bì thực phẩm. Phơi nhiễm PFAS có thể gây bệnh ung thư, dị tật thai nhi, cholesterol cao, rối loạn tuyến giáp, gan và sinh sản. Các hóa chất tích tụ trong đất, nước và cơ thể động vật hoang dã. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng gần như tất cả người Mỹ đều có lượng PFAS nhất định trong máu.

pexels-chait-goli-2031994-jpeg-7203-2381-1713341267.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u7Ijb3MKW3fP54AwA2unMA

Tôm hùm và cua được bày bán trong một khu chợ hải sản. Ảnh: Pexel

Khoảng 95% người trưởng thành được khảo sát cho biết họ đã ăn hải sản trong năm qua, 94% trong nhóm đã ăn cá hoặc động vật có vỏ vào tháng trước. Hơn hai phần ba số người được hỏi ăn hải sản trong tuần qua.

Hải sản là nguồn dinh dưỡng, di sản văn hóa và được nhiều người thích ăn. "Việc đánh giá rủi ro phơi nhiễm PFAS từ ăn hải sản rất quan trọng, giúp phát triển thông điệp y tế công cộng, từ đó đưa ra khuyến cáo tiêu thụ hợp lý", nghiên cứu nêu rõ.

Đây là lý do các chuyên gia khuyến cáo ăn các loại cá "giống cá hồi" sẽ lành mạnh hơn. Những con cá nhỏ có tuổi thọ ngắn, thường ăn thực vật và tảo, ít tiếp xúc với PFAS và có nhiều chất bổ tương tự cá hồi.

Các chuyên gia cho biết nghiên cứu mới không phải khuyến nghị người dân tránh ăn hải sản. Họ vẫn nhận định hải sản là nguồn cung cấp protein nạc và axit béo omega tuyệt vời.

Thục Linh (Theo Science Daily)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022