Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế, cho biết như trên khi tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, hôm 16/4. Lợi ích giữa việc Quỹ BHYT chi trả cho tầm soát phát hiện sớm ung thư với chi phí điều trị quá cao với một người bệnh ở các giai đoạn từ I đến IV, là một trong các lý do Bộ Y tế đề xuất dự thảo sửa đổi Luật BHYT quy định chi trả cho sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Cụ thể, dự thảo đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.

Bà Trang cho biết ngành y tế đã tiến hành đánh giá tác động 6 bệnh này, cho thấy sẽ tăng chi của quỹ BHYT lên. Với mức đóng bảo hiểm 4,5% như hiện tại, có thể trong 5 năm chi quỹ tăng cao đột biến. Tuy nhiên, chẩn đoán, sàng lọc sớm giúp tiết kiệm được chi phí điều trị của giai đoạn muộn (bao gồm số ngày giường điều trị tăng, tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh, các thuốc đắt tiền...).

"Trong ngắn hạn tiền quỹ có thể tăng nhưng dài hạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác trong đó có thuốc", bà Trang nói, ước tính tiền thuốc chiếm hơn 20% cơ cấu chi của BHYT.

Chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện khoảng từ 2,6 đến 3 nghìn tỷ đồng/năm, với ung thư vú là 2,5 đến 5,3 nghìn tỷ đồng/năm. Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình/năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Tương tự với bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 đến 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. "Vì vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu, không ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai", bà Trang nói.

1-6842-1713362321.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JsTOL_lNnpjl9JczKgeung

Phụ nữ tham gia sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM. Ảnh: Ánh Hồng

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, cho biết nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng đắn những trường hợp tiền ung thư ung thư cổ tử cung, hay ung thư vú, thì tỷ lệ chữa lành bệnh lên đến hơn 90%.

Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.

Còn ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Năm 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này.

Góp ý dự thảo, các chuyên gia cũng đánh giá việc BHYT chi cho chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh trên sẽ giúp bệnh nhân tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả. Như vậy, người dân được BHYT chi trả phí khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chi tiền túi từ 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Dự thảo luật BHYT sửa đổi còn đề xuất thanh toán thuốc điều trị nam khoa, giảm chi điều trị nội trú để tăng chi điều trị ngoại trú, trả tiền thuốc mua ngoài viện và chi sữa mẹ hiến tặng cho trẻ sinh non.

Dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến xây dựng luật.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022