Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đầu năm 2022, kiến trúc sư Oleh Drozdov quyết định chuyển nhà và công ty khỏi Kharkiv - thành phố lớn thứ hai, nằm ở phía đông. Hiện tại, khi chiến sự bước sang năm thứ 3, việc kinh doanh của Drozdov bắt đầu tăng trưởng. Công ty của anh đã thích ứng và tìm được nhiều cơ hội mới.

"Cơn bão qua rồi. Thuyền của chúng tôi bị thủng lỗ chỗ, nhưng đang tiến về phía trước", Drozdov cho biết từ Lviv - thành phố phía tây, gần biên giới Ba Lan.

Ở ngoại ô thành phố này, cần cẩu xuất hiện khắp nơi. Khu công nghiệp và nhiều dự án khác đang được xây dựng.

Drozdov & Partners - công ty của Drozdov - thích ứng với cú sốc chiến sự. Công ty nhỏ, linh hoạt. Ở đất nước mà hàng triệu người và hàng nghìn công ty đang phải dịch chuyển, nhu cầu xây nhà và cải tạo rất lớn.

"Cơ hội mới dần mở ra. Nhiều khoản đầu tư đang rót vào phía tây, khi các doanh nghiệp và người dân phải di chuyển", anh nói.

ukraine-1-8033-1715246995.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LaHxAAmn68YMaSpyNGDA9Q

Oleh Drozdov (phải) trong văn phòng tại Lviv. Ảnh: Reuters

Công ty của Drozdov là một trong 19.000 doanh nghiệp phải thay đổi địa điểm đăng ký hoạt động khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, theo hãng dữ liệu Opendatabot.

"Nhờ sự thích ứng của các doanh nghiệp, hỗ trợ và chương trình của chính phủ, Ukraine đang ngày càng giống một nền kinh tế thời chiến. Sự dịch chuyển này càng rõ khi so sánh cấu trúc kinh tế năm 2023 với 2021", Phó thủ tướng Yulia Svyrydenko cho biết trên Reuters.

Tại phía đông, chiến sự đang diễn ra. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc, Ủy ban châu Âu và Chính phủ Ukraine hồi tháng 2 cho thấy tổng chi phí tái thiết nền kinh tế này có thể lên tới 486 tỷ USD. Con số ngày càng tăng.

Ở Kharkiv, Oleh Synehubov - Thống đốc khu vực này cho biết khoảng 70% doanh nghiệp lớn đóng cửa hoặc rời đi. "Ngân sách của chúng tôi đã giảm 40%", ông cho biết trên Reuters.

Số liệu của WB cho thấy các doanh nghiệp phía đông sụt giảm 70% doanh thu giai đoạn 2022-2023. Các công ty tại phía bắc giảm 63%, còn mức hạ ở phía tây là 39%.

Nhưng tại phía tây, tình hình khá hơn nhiều. Viktor Mykyta - Thống đốc vùng Zakarpattia, cho biết khu vực này gần đây có nhiều doanh nghiệp mới, từ sản xuất muối, đồ nội thất đến dệt may.

Trước chiến sự, nền kinh tế Zakarpattia phụ thuộc vào du lịch và kiều hối. "Khi chiến sự nổ ra, nhiều doanh nghiệp đến đây, việc làm mới và ngân sách đều tăng", Mykyta cho biết.

Quan chức Lviv cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Các công ty logistics, năng lượng, xây dựng và công nghệ đổ xô đến đây.

Các dự án đầu tư nước ngoài ít ỏi được công bố chủ yếu nằm tại khu vực miền trung và phía tây. Những khu vực này sẽ hưởng lợi lớn nhất nếu Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Số dự án này gồm khoản đầu tư 50 triệu USD của Turkish Onur Group (Thổ Nhĩ Kỳ) để khai thác than tại Khmelnytskyi và 150 triệu USD vào năng lượng tại Zakarpattia.

Bayer (Đức) cũng cho biết sẽ đầu tư 60 triệu euro vào cơ sở sản xuất hạt giống ngô ở Zhytomyr. Kingspan Group (Ireland) rót 280 triệu USD vào Lviv.

Thực tế, tác động của chiến sự lên các ngành nghề rất khác nhau. Xu hướng gần đây có thể thay đổi nếu diễn biến chiến sự có bước ngoặt. Việc lực lượng Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng là thách thức lớn với nhiều công ty.

Sau khi chịu tác động mạnh năm 2022, GDP Ukraine tăng trở lại vào năm ngoái, với 5,3%. Năm nay, dự báo kinh tế tăng trưởng nước này là 4,6%. Ngành thép - từng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực - co lại 80% năm 2022 và chỉ tăng 8% năm 2023.

Bộ Kinh tế Ukraine cho biết đến nay, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thuộc các ngành xây dựng, chế biến, giao thông và bán lẻ. Lĩnh vực quốc phòng cũng tăng trưởng cao.

Nhu cầu nhân lực tăng vọt tại khu vực phía tây, theo website việc làm Work.ua. Tại Zakarpattia, số việc làm đăng tuyển cuối tháng 2 tăng 55% so với trước chiến sự. Còn ở Lviv, vị trí bỏ trống là 8.500 vào đầu tháng 3, tăng 23% so với đầu năm 2022.

Khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho thấy khoảng 74% doanh nghiệp nước này thiếu nhân viên, do nhiều người ra nước ngoài hoặc nhập ngũ.

Drozdov chưa tuyển đủ nhân sự. Anh gần đây mở trường dạy cho các kiến trúc sư trẻ, trong trường hợp đất nước cần để tái thiết nền kinh tế sau này.

Drozdov vẫn hy vọng ngày nào đó sẽ quay về Kharkiv. "Khi có cơ hội, chúng tôi sẽ quay về. Đây là chặng đường dài", anh nói.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022