Vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối năm 2022 khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong 3 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08 vào tháng 3/2023, thị trường đã có nhiều khởi sắc cùng dấu hiệu cho thấy niềm tin nhà đầu tư quay trở lại.

HUY-8677-9052-1707560842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZqMCweqFAYIcftf8KEMVLw

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: Ngọc Thành

Chia sẻ với báo chí đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn tốt và còn nhiều dư địa để phát triển.

Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược, kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chiếm khoảng 25% GDP. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP, chủ yếu kênh phát hành từ ngân hàng thương mại. "Đây là mức thấp", ông Phớc đánh giá.

Ông Phớc nói dư địa để huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn khoảng 15-16% GDP, tương đương khoảng 1,5-1,6 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giải quyết khó khăn về vốn, giúp phát triển doanh nghiệp.

Chung nhận định trái phiếu vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng trong nhiều năm qua nếu không huy động vốn qua phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đã phải chịu nhiều gánh nặng, áp lực về vốn.

ngan-hang-GiangHuy-042020-jpeg-8601-1707319662.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SdxFFkeauTUurvzwOS9ZHw

Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội, tháng 4/2020. Ảnh: Giang Huy

Ông Tùng Anh dẫn số liệu cho thấy trước khi suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giai đoạn tăng trưởng mạnh vào 2018-2021 với tốc độ trung bình hàng năm vào khoảng 45%. Tại thời điểm đỉnh cao vào giữa năm 2022, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 14% GDP năm 2021 và 12% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, nhờ quy định lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Nghị định 08, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, huy động khoảng 237.400 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 236.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành sau thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực.

Một số trường hợp có thể kể tới như Công ty TNHH Capitaland Tower phát hành 4 đợt trái phiếu huy động khoảng 12.240 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Nam An huy động 4.700 tỷ đồng, Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sài Gòn Capital 3.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam gần 4.700 tỷ đồng, Công ty cổ phần tiếp vận và bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng 4.000 tỷ đồng...

Trong lĩnh vực khác, Ngân hàng Phương Đông phát hành 2 đợt trái phiếu doanh nghiệp huy động 1.800 tỷ đồng, Chứng khoán Tiên Phong 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán Rồng Việt gần 1.500 tỷ đồng, Vietjet 600 tỷ đồng.

Mặc dù khối lượng phát hành tăng trở lại, thị trường sôi động hơn, giới phân tích cũng lưu ý tới khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn. Năm nay, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn khoảng hơn 310.000 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỉ lệ đáo hạn lớn nhất, lần lượt chiếm 34,9% và 29,7%.

Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, chuyên gia của FiinRatings cho rằng nếu như trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới từ phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu... để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, ông dự báo khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ khá khó khăn do thị trường vẫn cần thời gian để điều chỉnh và khôi phục niềm tin, nhất là với vấn đề nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp vẫn chưa được thực thi. Cùng đó, nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này không nhiều do phải ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14% để kiểm soát lạm phát.

Bộ trưởng cũng cho rằng huy động vốn qua thị trường chứng khoán khó khăn do thị trường không còn sôi động trong khi việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng do thị trường bất động sản đang trầm lắng, phục hồi chậm. Chính vì lẽ đó, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, có tiềm ẩn nguy cơ chậm trả trái phiếu.

Thừa nhận khối lượng trái phiếu đáo hạn ở mức cao nhưng Bộ trưởng Tài chính cho rằng bối cảnh hiện tại về cả vĩ mô và tín dụng đã ổn định hơn so với giai đoạn khi vụ việc ngân hàng SCB xảy ra. Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, có dòng tiền thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư.

Ông cho rằng, đối với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, theo đó mức độ phục hồi, phát triển khác nhau. Riêng với bất động sản, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi cùng các khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, có dòng tiền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư.

Dù vậy, để tránh rủi ro, người đứng đầu ngành tài chính nói doanh nghiệp huy động trái phiếu phải vay - trả đúng hạn cho người dân. Ông yêu cầu doanh nghiệp huy động trái phiếu sử dụng tiền thu về theo đúng mục tiêu của khoản vay, không dùng khoản vay này để chi cho các khoản vay khác dẫn đến không trả được nợ, gây mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư, ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng sàn trái phiếu riêng lẻ, tăng cường kiểm tra, thanh tra, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, vừa thiết lập trật tự, kỷ cương để minh bạch thị trường tài chính.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022