Tháng cô hồn vợ trẻ không cho phơi quần áo ban đêm

Anh Lê Văn Ngọc (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái anh cưới vợ được 1 tháng thì tới tháng cô hồn. Vợ chồng anh thuê nhà ở trong phố để tiện đi làm.

Vào tháng cô hồn mưa gió liên tục. Hôm đó anh đi làm về gặp mưa dọc đường, dù đã mặc áo mưa nhưng quần áo vẫn ướt át, nên ăn cơm xong trong khi vợ bận dọn dẹp rửa bát thì anh mang đồ bẩn cho vào máy giặt ngay để tránh mốc hỏng quần áo.

phoi-quan-ao-3-15337310634871927423244.jpg

Nhiều gia đình đã có máy giặt, máy sấy hỗ trợ giặt quần áo. Ảnh minh họa.

Rửa bát xong vợ thấy chồng lục đục trên gác chưa xuống bèn lên theo và khi thấy anh đang phơi chậu quần áo thì vợ kêu lên, bảo tháng cô hồn kiêng phơi quần áo ban đêm.

Anh ngạc nhiên, bảo ở nhà bố mẹ anh vẫn thường phơi quần áo ban đêm có sao đâu. Nhưng vợ anh không nghe, kêu là tháng cô hồn các vong hồn vất vưởng không ai thờ cúng, đi qua thấy quần áo sẽ “mượn” mặc, và để lại âm khí trong các quần áo đó, mặc vào sẽ bị đau ốm, gặp rủi ro…

Anh Ngọc không tin, bảo vợ là mê tín nhưng không sao giải thích cho vợ trẻ hiểu được việc kiêng phơi quần áo ban đêm là vô lý, không phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay.

phoi-quan-ao-1533731063493686370928.jpg

Ngày nay nhiều nhà làm chỗ phơi quần áo sạch sẽ, thoáng mát, không sợ sương gió, ẩm mốc ban đêm. Ảnh minh họa.

Chuyên gia tâm linh nói gì?

May mắn anh Ngọc tìm được bài báo có ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) trả lời về vấn đề này là quan điểm mê tín. Anh mừng húm gửi cho vợ đọc.

Theo đó thì xưa kia các cụ kiêng phơi quần áo ban đêm là do trước kia giặt đồ bằng tay, nên người khỏe tay có vắt kiệt thì quần áo vẫn sũng nước. Đã thế thói quen của người dân hay phơi quần áo ngoài trời, mái hiên, nhà kho, nhà bếp… những nơi kín đáo, ẩm thấp để người khác đỡ nhìn thấy, nhất là đồ lót.

Nhiều nhà tâm linh cũng cho rằng, trước kia không có máy giặt, máy sấy, không có nơi phơi quần áo thoáng mát thì việc phơi quần áo ban đêm ngoài trời, hiên nhà mới dễ nhiễm sương gió. Cộng với đặc thù thời tiết tháng 7 âm u, mưa gió liên tục nên việc phơi quần áo vào ban đêm sẽ bị mưa gió làm ẩm ướt, vải chóng bị mục hỏng. Thời điểm này vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển mạnh, nhiễm vào quần áo khi khi người mặc dễ sinh bệnh về da liễu, hô hấp, viêm nhiễm phần phụ… rồi cho rằng bị ma quỷ quấy phá.

Ngày nay nhiều người bận rộn công việc cả ngày, nên hầu hết tối về tắm giặt, tập trung đồ bẩn của cả nhà cho vào máy giặt. Nhiều loại máy giặt còn hỗ trợ cả chức năng sấy quần áo nên nhiều người tiện thể bấm máy giặt trước khi vào bữa ăn, để ăn xong là phơi luôn quần áo trên tầng thượng, lồng sắt có mái che… vừa không bụi bặm, vừa hạn chế sương, mưa gió. Vì vậy chuyện giặt và phơi quần áo ban đêm trở nên bình thường và phù hợp với nhiều đa số dân lao động ngày nay.

Nhưng dù có hỗ trợ của máy giặt, máy sấy… thì những ngày tháng 7 mưa dầm, những khi độ ẩm không khí cao thì người dân cần sấy quần áo thật khô thơm, quần lót thì nên là (ủi) trước khi mặc để tránh bị bệnh da liễu, phụ khoa…

Tháng cô hồn có khá nhiều kiêng kị trong dân gian, nhưng người dân cần có kiến thức để hiểu biết việc gì cần kiêng kị, việc gì không nên kiêng, không nên tin tưởng tuyệt đối kẻo thành… mê tín.

Lưu ý khi phơi quần áo:

- Phơi quần áo tránh nơi thiếu ánh sáng, độ ẩm cao, bụi bặm vì có nhiều tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, nấm mốc… sinh sôi), gây dị ứng, bệnh phụ khoa, mẩn ngứa cho người mặc, nhất là trẻ em, người có da nhạy cảm.

- Nên phơi quần áo ban ngày, nơi thoáng rộng và có ánh sáng mặt trời sẽ nhiều năng lượng dương, nhanh khô, lại diệt được vi khuẩn, nấm mốc trên quần áo, người mặc tránh được bệnh tật sẽ khỏe mạnh.

- Tháng 7 mưa dầm và những ngày ẩm độ cao nên cần sấy khô quần áo cho thơm tho rồi hãy cất vào tủ.

Ngọc Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022