Đáp lại, người đàn ông Nhật bước vào lớp với nụ cười rạng rỡ, chạy xuống đập tay học trò, khuấy động không khí. Cả lớp đứng lên cúi người, chào thầy bằng tiếng Nhật.

Trong tiết học hôm 20/10, thầy Ryoji hướng dẫn học sinh hát, viết thư và quay video để gửi cho ông Kuroiwa Yuji, tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Thầy phát cho học sinh những mẩu giấy màu đã chuẩn bị sẵn, hướng dẫn gấp thư origami hình trái tim. Những bức thư có lời chào của học sinh Việt Nam sau đó được dán vào một cuốn sổ lớn. Thầy cũng đứng trước lớp hát mẫu, kèm biểu cảm hài hước khiến cả lớp cười thích thú.

"Đó là cách tôi truyền động lực học tập cho học sinh", ông Ryoji nói, cho biết các em rất hào hứng vì biết sản phẩm của mình sắp được gửi sang nước Nhật.

Dưới lớp, từng nhóm học sinh xếp gọn bàn ghế, chuẩn bị để quay video. "Em luôn mong chờ giờ của thầy Ryoji. Thầy ấy rất vui vẻ và dạy dễ hiểu", em Nguyễn Minh Đức nói.

-7664-1666365217.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M34wDySxJaAukdJU3EjOXg

Thầy Ryoji hướng dẫn học sinh gấp origami hình trái tim để gửi cho tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, hôm 20/10. Ảnh: BM

Sau 42 năm làm việc cho một hãng ôtô nổi tiếng Nhật Bản, ông Ryoji nghỉ hưu hồi giữa năm nay ở tuổi 64. Ông luôn tự hỏi làm cách nào để sử dụng một cách hiệu quả kinh nghiệm toàn cầu và các kỹ năng dạy học của bản thân cho mọi người trên thế giới.

"Cuối cùng, tôi tìm thấy chương trình của Trung tâm châu Á - Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản và đến Hà Nội hồi tháng 8, với vai trò tình nguyện viên hỗ trợ giáo viên Việt Nam dạy tiếng Nhật", ông Ryoji kể.

Trước khi đến Việt Nam, ông phải tham gia khóa đào tạo và đạt chứng chỉ về giảng dạy tiếng Nhật, rồi trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe của dự án. Hiện ông được giao 15 - 20 tiết một tuần, với hơn 600 học sinh ở 5 trường học.

Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, cho biết thầy Ryoji dạy các lớp tiếng Nhật ở trường từ đầu năm học, mỗi tuần vài tiết theo chủ đề và giai đoạn. "Thầy nhiệt tình, đầy năng lượng và luôn vui vẻ nên học sinh rất thích. Tiết học rất hiệu quả, tăng tinh thần đoàn kết và tạo động lực học cho các em", cô Hương nói.

Nhắc đến phương pháp thu hút học sinh, ông Ryoji cười, chỉ vào chiếc vali mang theo. "Bí mật nằm trong chiếc vali này", ông nói, mở vali đựng ấm siêu tốc, nồi, bát, đũa và các nguyên liệu nấu mì udon.

Hôm nào có giờ học về ẩm thực, ông sẽ nấu mì tại lớp cho học sinh thưởng thức và giúp các em học từ mới qua các công đoạn. Để làm được điều này, ông thường phải dậy từ 4h, chế biến sẵn một số nguyên liệu tại nhà như rau củ tẩm bột chiên, rong biển, tới lớp chỉ việc chần mì và làm nóng nước sốt.

thay-giao-nhat-mang-noi-am-dien-den-lop-nau-mi-cho-hoc-sinh-1666325437.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LSsT4Bm8RwiLoIKQ6FY-qg
Thầy giáo Nhật mang nồi, ấm điện đến lớp nấu mì cho học sinh

Thầy Ryoji chế biến mì udon mời học sinh lớp 6G, trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong buổi học hôm 5/10. Video: Trịnh Thu Ha

Theo ông Ryoji, udon là một trong những món ăn phổ biến nhất ở Nhật, được người nước ngoài yêu thích; chế biến nhanh, gọn và không cần dùng tới lửa tại lớp học. Khi làm món ăn này, học sinh và giáo viên đều được huy động tham gia.

"Tôi không dạy chỉ để học sinh thấy vui mà còn muốn hướng các em tới tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm. Tôi vui khi các em hào hứng với nhiệm vụ được giao, khen mì ngon và xin thêm", ông nói. Qua hoạt động này, ông Ryoji còn hướng dẫn học sinh cách tư duy. Ông lấy ví dụ, món tempura udon hay somen (mì lạnh) của Nhật nhìn giống phở hay bún của Việt Nam nhưng thực tế lại có sự khác biệt. Ông muốn học sinh nghĩ về toàn cầu trước, sau đó nhìn vào hai đất nước và so sánh, tìm thấy sự khác nhau. Với cách này, học sinh sẽ có suy nghĩ rộng mở hơn.

-3538-1666346735.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T8iZvSF0MgLKigxGkTQyJg

Thầy Ryoji và "chiếc vali thần kỳ" khi đến trường THCS Nguyễn Du hôm 20/10. Ảnh: BM

Ngoài ra, ông nói về lịch sử và cách suy nghĩ của người Nhật. Ông giải thích tại sao và làm thế nào để Nhật từ một nước nghèo sau chiến tranh trở thành quốc gia có GDP cao thứ ba thế giới; giới thiệu thành tựu công nghệ cao của Nhật Bản hay cách nước này ứng phó với vấn đề môi trường, tỷ lệ sinh giảm và dân số già.

Là tình nguyện viên hỗ trợ dạy tiếng Nhật, ông Ryoji thường hỏi học sinh lý do học ngoại ngữ này ở buổi học đầu tiên. Nhiều học sinh nói do được bố mẹ gợi ý, một số vì thích game. Ông đã chia sẻ với các em năm nguyên tắc quan trọng để thông thạo ngoại ngữ nhanh hơn hoặc giao tiếp đa văn hóa tốt hơn: mở lòng, không xấu hổ, nói ra và nói rõ ràng, chậm rãi, luôn nở nụ cười và hài hước.

"Đó là kinh nghiệm hơn 60 năm cuộc đời tôi. Tôi từng là một người nhút nhát nhưng khi có cơ hội du học và đặt chân tới nhiều nước, tôi đã thay đổi bằng cách này", ông Ryoji nói, hy vọng sau các tiết học của mình, học sinh sẽ có mục tiêu rõ ràng hơn trong việc học tiếng Nhật.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022