Chị Thanh Hằng, phụ huynh học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, kể cả tháng qua, ngày nào con trai cũng bức bối, khó chịu vì mồ hôi.

"Con than nóng chịu không nổi, đến mức không ngủ trưa được", chị nói.

Theo chị, phòng học của con có 3, 4 quạt treo tường. Dù trường nhiều cây xanh nhưng "không ăn thua". Chị và các phụ huynh trong lớp phải mua quạt mini, cho con mang theo để bật lúc ngủ trưa hoặc sau khi vận động.

"Không ai nghĩ thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài và khó chịu như vậy. Đầu năm đã tính lắp máy lạnh, nhưng nhiều phụ huynh không đồng ý vì đã là năm cuối cấp", chị nói.

Phòng học có máy lạnh cũng chỉ giải quyết được một phần, theo chị Thanh Huyền, phụ huynh học sinh lớp 9, quận Gò Vấp. Chị cho hay lớp có máy lạnh nên trong giờ học, con tương đối thoải mái. Nhưng chị vẫn lo khi con đi lại dưới nắng thiêu đốt. Trường không tổ chức bán trú, con chị ra về lúc 11h trưa và trở lại trường lúc 13h.

"Nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ C, trời oi nồng rất khó chịu. Nhiều lúc tôi sợ con bị sốc nhiệt hay say nắng", chị Huyền cho hay.

257-jpg-1713494790-8720-1713495108.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E8pnwAcYTQL2AysKGMfyTA

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 7/4. Ảnh: VNUHCM

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, số đợt và mức độ nắng nóng năm nay gay gắt hơn do ảnh hưởng của El Nino. Nam Bộ nắng nóng kéo dài đến tháng 5, cao điểm là tháng 3, 4. Tại TP HCM, nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, độ ẩm ở mức 30-40%. Nhiệt độ ngoài trời luôn cao hơn mức dự báo 2 đến 4 độ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi bị rối loạn tiêu hóa hay các bệnh về da, hô hấp, sốt cao đều tăng, có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp do thời tiết nắng nóng.

Trời nắng khiến thức ăn dễ ôi thiu, nhất là ở hàng quán vỉa hè, dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc rối loạn tiêu hóa. Học sinh hiếu động, liên tục vui chơi, hoạt động dưới trời nắng gắt sẽ dễ bị say nắng, mất nước, ngất. Trẻ em cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, giảm sức đề kháng khi nằm điều hòa quá lạnh.

Tại trường THPT Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nhiều phụ huynh bàn nhau thuê hoặc lắp điều hòa cho lớp học. Anh Phước Hải, có con học lớp 10, cho biết cách đây nửa tháng, các phụ huynh thống nhất đóng góp thêm khoảng 600.000 đồng mỗi nhà, để mua hai máy điều hòa.

"Các con lớp 10 nên vẫn dùng được các năm sau, không sợ phí. Trời nóng như đổ lửa, mình ngồi một mình một quạt còn nóng huống chi trong lớp hơn 40 em", anh Hải nói.

Thầy Hoàng Công Phú, Hiệu phó nhà trường, cho biết 10 phòng học của trường được trang bị điều hòa nhờ sự đóng góp của phụ huynh trong tháng qua. Với những lớp cuối cấp hoặc không có điều kiện tài chính, phụ huynh thuê điều hòa cho các con dùng tạm, chi phí 70.000 đồng một tháng mỗi em. Việc này do hội phụ huynh các lớp tự thống nhất, tự thu chi và lắp đặt.

Không kịp lắp điều hòa vì đã là năm cuối cấp, chị Hằng và chị Huyền chỉ còn cách dặn con uống nhiều nước, không chạy nhảy dưới nắng, chuẩn bị thêm nước cam, nước dừa cho con mang đi mỗi ngày.

"Ngoài ra, mỗi sáng con đi học là phải kiểm tra đã có quạt mini, mũ, áo khoác chưa", chị Huyền nói.

z5338078359529-91b6d9f1cd7f7a1-2489-9945-1713495108.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QcHg17pwQZeL_KPiyrj8qw

Giờ thể dục của học sinh trường THPT Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, được chuyển xuống đầu giờ sáng, ngày 10/4. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường chủ động điều chỉnh thời khóa biểu, hoạt động cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe học sinh. Nhiều trường chủ động đổi giờ học thể dục, quốc phòng vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều, bổ sung hệ thống làm mát phòng học...

Hai tháng trở lại đây, trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, phải mở hệ thống phun nước trên các dãy phòng học có mái tôn để giảm nhiệt độ vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Các lớp học cũng phải thuê hoặc mua thêm quạt hơi nước để làm mát cho học sinh.

"Phòng học của trường không có điều hòa, chỉ dùng quạt. Thời tiết nắng nóng mà mỗi lớp gần 50 học sinh thì cũng bức bối, nhưng các em chỉ học một buổi nên cũng đỡ phần nào", cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng, nói.

Ngoài ra, trường đặt thêm bình nước ở các dãy hành lang. Với gần 5.000 học sinh, mỗi ngày trường dùng khoảng 100 bình nước, tăng gấp đôi so với trước Tết Nguyên đán.

Số lượng bình nước tiêu thụ hàng ngày của trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, cũng tăng gấp đôi trong khoảng một tháng trở lại đây, khoảng 80 bình mỗi ngày cho 2.100 học sinh.

"Giờ ra chơi, chúng tôi mở hết các phòng chức năng, nhà thi đấu cho các em vui chơi trong phòng. Giám thị sẽ đi nhắc nhở nếu các em chạy nhảy dưới nắng. Các bài học thể dục cũng nhẹ nhàng, tránh hoạt động làm mất sức học sinh", thầy hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bữa ăn bán trú cũng được trường đặc biệt lưu ý, dặn đơn vị cung cấp thức ăn bổ sung thêm rau xanh, nhiều canh và hạn chế các món xào, trộn, dễ ôi thiu.

19035994-446a-4a61-8f1e-05c395-3335-3878-1713515666.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bHfjecarbdakBCDuIiNU6g

Học sinh Tiểu học Lê Văn Tám ngồi ở hành lang trong giờ ra chơi, chiều 19/4. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Nắng nóng có thể kéo dài đến tháng 5, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý phụ huynh nên cho con mặc quần áo từ chất liệu thấm hút mồ hôi, mỏng, che chắn kỹ nếu đi dưới thời tiết nắng gắt.

Nhà trường và phụ huynh cần nhắc nhở học sinh vui chơi dưới bóng mát, tránh vận động mạnh, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp. Phụ huynh có thể cung cấp nước, bổ sung khoáng, vitamin cho con bằng nước ép trái cây, nước dừa.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022