Sau bài "Thầy giáo bị thôi việc vì tát học sinh", rất nhiều giáo viên trẻ chia sẻ áp lực của nghề giáo. Có người đành bỏ nghề vì không đủ nhẫn nhịn trước những học sinh hỗn láo. Quỳnh Mai (Thái Bình) là một trong số đó.

Tốt nghiệp khoa tiếng Anh một trường đại học có tiếng, Quỳnh Mai được nhận vào dạy hợp đồng tại một trường cấp 3 ở Hà Nội. Tuy nhiên, niềm vui đứng lớp truyền dạy kiến thức cho đàn em chẳng kéo dài được bao lâu, thay vào đó là cảm giác tủi, giận. Đám nam sinh đang tuổi dậy thì, thích nổi loạn thường ngỗ ngược cãi lời cô. Mai từng bị học sinh chửi bậy khi nhắc giữ gìn trật tự.

"Em tức đến phát khóc nhưng không biết làm như thế nào", Mai nói. Cô đã thử nhiều cách mà giáo viên đi trước chỉ dẫn như: tỏ ra rắn mặt phê bình nghiêm khắc học sinh, tảng lờ những tiếng trêu đùa..., nhưng không có kết quả. Mỗi lần đối diện đám học trò mặt đầy thách thức, thường xuyên nói tục, Mai phải cố kìm nén cơn tức giận để không quát mắng. 

giao-vien-3390-1494386507.jpg

Chuyện "yêu cho roi cho vọt", giáo viên phạt đòn khi học sinh hư hỗn vốn là bình thường khi xưa nay trở thành điều "cấm kỵ" bởi không cẩn thận, người thầy có thể bị mất việc. Ảnh minh hoạ.

Mai chia sẻ, khi học ở trường sư phạm và đi thực tập, cô đã biết những học sinh ngỗ ngược, hay bắt nạt giáo viên trẻ. Tuy nhiên khi đi làm, tiếp xúc với học sinh thường xuyên hơn, cô mới hiểu nghề này có quá nhiều áp lực. "Học sinh có thể hư, hỗn láo với giáo viên, nhưng thầy cô không được quyền nóng giận quát mắng hay phạt đánh. Bởi nếu có đánh, mắng chắc chắn sẽ bị kỷ luật, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, nặng cho nghỉ việc", Mai nói.

Quỳnh Mai sau đó xin thôi việc và chuyển ngành. Nhắc đến thầy tổng phụ trách trường THCS Khương Thượng bị thôi việc vì đánh học sinh, Mai nói: "Thầy giáo cũng là con người, đôi khi không tránh khỏi nóng giận. Ai cũng bảo làm nghề này phải nhẫn nhịn, nhưng nhịn thế nào trước đám trẻ mở miệng là nói bậy, trêu đùa giáo viên?".

Nhiều độc giả cũng bày tỏ cảm thông với thầy giáo tổng phụ trách và cho rằng nghề giáo quá bạc. Kể chuyện xưa đi học từng bị cô giáo phạt, lên cấp 3 học trường điểm Hà Nội thấy mấy bạn nam hư toàn bị các thầy thể dục, giám hiệu bợp tai, đá đít, bạn Ken Bùi cho biết, hồi ấy (2002-2005) chẳng to chuyện như bây giờ. Ai cũng hiểu sai lại láo nên bị ăn đòn.

"Sau mình đi dạy, là cô giáo nên bị học sinh bắt nạt. Không đánh được, không mắng được, máu dồn lên não chỉ quật vào vai học sinh bằng thước nhựa mà bị chửi đổng. Mình sau đó bị hiệu trưởng mắng mỏ đến phát khóc. Buồn quá, mình nghỉ dạy ở trường. Nghề nào bạc, vẫn là nghề giáo mà thôi", Ken Bùi viết.

Nhiều thầy cô khác cũng cho biết, bây giờ giáo viên rất sợ đụng đến học sinh vì "động cái lại bị kỷ luật". Nếu lôi học sinh hư lên ban giám hiệu thì em đó bị đình chỉ vài hôm, viết bản tường trình, bản kiểm điểm. Nhưng đối với em vô lễ như vậy, biện pháp đó chẳng có tác dụng. "Việc đuổi học thì càng khó áp dụng vì liên quan đến bệnh thành tích, chỉ tiêu. Học sinh bây giờ là vua rồi. Tôi làm giáo viên nhưng với những học sinh quá ngỗ ngược cũng chả buồn động đến. Giáo viên chúng tôi giờ cũng sợ các em lắm rồi", độc giả Nguyễn Nhàn viết.

Nhiều người khác cho rằng, Luật Giáo dục đang có kẽ hở gây bất công cho giáo viên. Luật bảo vệ học sinh, không cho phép thầy cô được phạt học trò. Tuy nhiên không có quy định, chế tài nào bảo vệ danh dự người thầy. "Những người trong nghề như tôi thật buồn vì điều đó", độc giả Tiến Mạnh nói.

* Tên nữ giáo viên đã thay đổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022