Trong phim, bức ảnh thờ nhân vật Út Trong xuất hiện vài giây ở phân cảnh nhân vật ông Tư Lành (Hoài Linh) buồn bã nhìn hình người vợ quá cố trong ngày giỗ của bà. Bức hình còn được quay cận nhiều lần ở cảnh các nhân vật khóc trước di ảnh.

Sau khi phim ra rạp ngày 24/3, nhiều khán giả cho biết họ thấy bức ảnh thờ nhân vật Út Trong trông quen thuộc. Ngày 29/3, khán giả Bùi An chia sẻ bài viết trên trang cá nhân về việc đoàn phim đã dùng ảnh chân dung bà Tống Mỹ Linh - vợ của ông Tưởng Giới Thạch - để đưa vào phim. "Bộ phận thiết kế, bối cảnh đã dùng hình từ internet, photoshop chỉnh sửa lại khuôn miệng mà có thể không biết đó là vợ Tưởng Giới Thạch...", khán giả Bui An nhận định.

* Phân cảnh trong "Dạ cổ hoài lang" dùng ảnh vợ Tưởng Giới Thạch

Điểm khác biệt giữa hai bức hình là khuôn miệng của phu nhân nhà quân sự Trung Quốc có nét tươi cười, còn nhân vật Út Trong nghiêm nghị. Những chi tiết khác như khuôn mặt, tóc, vóc dáng, trang phục được êkíp giữ lại.

buc-anh-6710-1490865971.jpg

Ảnh bà Tống Mỹ Linh (trái) và di ảnh nhân vật Út Trong trong phim "Dạ cổ hoài lang".

Bà Tống Mỹ Linh là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất tại Trung Quốc trong thế kỷ 20. Trong số sáu chị em nhà họ Tống, nổi tiếng nhất là ba nhân vật: Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh và Tống Ái Linh. Chị hai Tống Khánh Linh lập gia đình với nhà cách mạng Tôn Trung Sơn. Về sau bà trở thành Phó chủ tịch Trung Quốc và qua đời năm 1981.

Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh được coi là một trong những đôi vợ chồng nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Họ tổ chức lễ cưới năm 1927, một thời gian ngắn sau ngày họ Tưởng giành quyền lãnh đạo Quốc dân đảng.

Tống Mỹ Linh cùng chồng là Tưởng Giới Thạch từ Đại lục Trung Quốc chạy qua Đài Loan năm 1949. Kể từ đó bà trở thành nhân vật gắn liền với các hoạt động chính trị của hòn đảo này. Sau khi ông Tưởng Giới Thạch mất năm 1975, bà đã chuyển sang Mỹ và sống đến khi qua đời năm 2003.

Tam Kỳ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022