Ngôi nhà của chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, 51 tuổi, ở thành phố San Ramon, phía bắc bang California có khu vườn rộng 1.000 m2. Ban đầu vườn toàn cây to với thiết kế giống như một khu rừng. Năm 2017 khi gia đình dọn về đây, mẹ chị Giao khuyên nên cải tạo thành nơi trồng hoa hồng bởi phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng.

Thời điểm đó, chị vẫn đi làm nên chưa có thời gian thực hiện dù bản thân cũng rất yêu thích loại hoa này. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát phải cách ly xã hội, chị cùng chồng và hai con trai bắt đầu chung sức để biến khu vườn thành "thiên đường hoa hồng" như bà ngoại mong ước.

anh-1-1-2656-1710320739.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UWsLrjPjBgMNwIIwmF7CCQ

Khu vườn nhà chị Quỳnh Giao trước khi được cải tạo gồm nhiều cây to. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc đầu tiên của họ là đốn hạ hơn 20 cây to để lấy nắng nhưng vì công thợ đắt nên cả nhà quyết định tự làm. Dù thân cành sau đó được dọn sạch nhưng vì cây lớn, rễ xiên ngang dọc nên chị Giao phải mượn máy nghiền nát gốc mới đào được đất trồng hoa.

"Tưởng thế là xong ai ngờ lúc đào hố mới phát hiện bên dưới toàn đất sét khô cứng, tưới nước làm mềm mà ba ngày sau vẫn không thể ngấm xuống dưới", chị Giao kể.

Để biến mảnh đất này thành nơi có thể trồng hoa, chị làm một lớp đất tơi xốp dày 15 cm, sử dụng thêm giá thể hữu cơ phối trộn cùng. Ngoài ra chị Giao còn phải liên tục bón phân hữu cơ như phân gà, phân bò để bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất.

Cả tháng cải tạo vườn, hầu hết thời gian đều ở ngoài nắng, da chị đen nhẻm và sụt vài kg, tay chân xước xát vì cành cây hay gai hồng đâm chọc vào.

Dù vậy, niềm vui của người phụ nữ này là cả nhà được làm việc cùng nhau. Bố mẹ con cái cùng cắt cành, đào đất rồi đẽo gỗ để làm giàn cho hồng leo. Cậu con trai út 9 tuổi còn tự nguyện đập heo đất để lấy tiền mua tặng bà ngoại bộ bàn ghế nhỏ đặt tại vườn làm nơi thư giãn.

hoa-dai-dien-4618-1710320739.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mrEXYzySggvyaAnEujxc-w

Một góc vườn hoa hồng của chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, sống tại thành phố San Ramon, phía bắc tiểu bang California, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc thiết kế vườn do chị Giao tự phác thảo. Công việc này theo chị không đơn giản là phủ kín vườn bằng đủ loại hoa mà cần sắp xếp sao cho hợp lý như cách phối màu sắc để tạo sự tương đồng hoặc có thể xen lẫn nhằm tạo sự tương phản. Ngoài hồng, trong vườn còn có thêm thược dược, cúc, oải hương nên người trồng phải nắm rõ mùa ra hoa các loại để tránh lúc muôn hoa đua nở, lúc lại tiêu điều.

Lúc đầu người phụ nữ gốc Việt chỉ định trồng vài cây hoa hồng bên một góc của khu vườn, còn lại trồng những loại hoa khác. Nhưng càng trồng càng mê, chưa trồng xong cây này đã tìm mua cây khác. Trước đây chị mua nhiều loại trồng thử nghiệm nhưng sau này chỉ tuyển chọn một số loài xuất sắc.

Như thời gian đầu, chị Giao rất thích hoa hồng David Austin vì dáng vừa đẹp vừa thơm, tuy nhiên loại này chịu nắng kém nên chuyển sang trồng thêm giống của Nhật và Trung Quốc như Senlitsu, Miyabi, Mikoto, Princess Miyuki, Princess Sakura, Hitomi hay Chirp, Chi Yan, Han Xian, Cinnabar Bowl, Bel Canto, Peach Dyed. Ngoài ra, trong vườn còn nhiều giống hoa hồng của Đức và Pháp.

Dù phải chi khá nhiều tiền cho khu vườn nhưng theo chị Giao, khi Covid-19 xảy đến với quá nhiều mất mát, chị muốn sống chậm lại và làm những gì mình và người thân yêu thích. Trong bốn năm làm vườn, chị vừa mua giống cây, vừa tự ươm trồng nên số hoa hồng đã lên tới hơn 300 gốc với 200 loại khác nhau.

Một số hình ảnh khu vườn hoa hồng của chị Quỳnh Giao.

Thời điểm cải tạo vườn, vì bị cách ly nên mẹ chị Giao không hề biết đến kế hoạch của con gái. Sau bốn tháng trở về, bà rất bất ngờ khi khu rừng rậm hôm nào giờ biến thành một khu vườn ngợp sắc bởi các giống hồng khác nhau. Từ đó hai mẹ con thường xuyên ra vườn chăm sóc cây cối, tìm trồng thêm nhiều giống hoa. Chị Giao còn làm thêm một căn nhà kính giữa vườn với mục đích có chỗ cho mẹ ngắm hoa mà tránh được gió mạnh buổi chiều, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Dù vậy, năm 2023, mẹ chị bị mất trí nhớ nên chuyển đến sống tại nhà em gái. Khu vườn lúc này hầu như chỉ còn một mình chị Giao chăm sóc.

"Mỗi lần ra vườn tôi rất nhớ mẹ. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp khi làm việc cùng nhau tại khu vườn hoa hồng", người phụ nữ 51 tuổi kể.

hoa-dai-dien-2-1472-1710320740.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3sv9xyum0zBVo0NFHOm83A

Chị Quỳnh Giao và mẹ khi bà còn khỏe mạnh sau khi hái những bông hồng trong vườn, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ khi bắt tay trồng hoa, chị Giao thấy cuộc sống thay đổi nhiều, ít suy nghĩ đến điều tiêu cực. Giữa không gian bình yên của khu vườn, bà mẹ hai con thích tản bộ, pha trà và thưởng thức thành quả chăm sóc bấy lâu.

Có một việc mà người phụ nữ này không bao giờ quên là mỗi lần đến thăm mẹ, chị lại lựa những bông hoa đẹp nhất, thơm nhất trong vườn hái mang tặng bà.

"Dù mẹ mất trí nhớ, lúc tỉnh lúc không nhận ra ai, nhưng mỗi lần cầm trên tay bó hồng thơm ngát con gái mang tặng, hít hà hương thơm, bà lại mỉm cười", cô con gái nói.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022