Kim-cuong-Gondola-1709-1713759750.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sgDiCyKtN2zY9WN2exMkIA

Kim cương Hope - một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: Telegraph

Các nhà nghiên cứu có thể đã tìm ra nguồn gốc thực sự của những viên kim cương Golconda nổi tiếng như Hope hay Koh-i-noor, Live Science hôm 21/4 đưa tin.

Kim cương Golconda là loại đặc biệt vì có rất ít tạp chất và ít nitơ, do đó cực kỳ trong và không có những vết làm giảm độ lấp lánh. Chúng cũng rất lớn. Viên kim cương Koh-i-noor, hiện nằm trong bộ sưu tập những món đồ nghi lễ của Hoàng gia Anh lưu giữ tại tháp London, nặng tới 105,60 carat. Viên kim cương Hope, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Washington DC, Mỹ, nặng 45,52 carat.

Những viên kim cương Golconda này được phát hiện tại miền nam Ấn Độ từ những năm 1600 đến những năm 1800. Chúng được khai thác trong các mỏ sa khoáng - hố nông khoét vào trầm tích ven sông. Nhưng trước đó, kim cương được đưa lên bề mặt Trái Đất trong những khối đá núi lửa lớn gọi là kimberlite và giới chuyên gia không biết đá kimberlite chứa những viên kim cương này đến từ đâu.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth System Science cho rằng kim cương Golconda có thể bắt nguồn từ mỏ kimberlite Wajrakarur ở Andhra Pradesh, Ấn Độ, ngày nay, cách nơi khai thác chúng khoảng 300 km.

Để truy tìm nguồn gốc của kim cương Golconda, các nhà địa chất Hero Kalra, Ashish Dongre và Swapnil Vyas từ Đại học Savitribai Phule Pune nghiên cứu tính chất hóa học của đá kimberlite và lamproite xung quanh. Đây là những loại đá hình thành từ đáy lớp vỏ và lớp phủ trên của Trái Đất, nơi hình thành đa số kim cương.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, đá kimberlite từ mỏ Wajrakarur có thể được đẩy lên từ độ sâu nơi kim cương hình thành và chứa các khoáng chất thường xuất hiện cùng kim cương. Sau đó, họ tiến hành khảo sát bằng cách sử dụng dữ liệu viễn thám như ảnh vệ tinh, các phép đo thảm thực vật và độ ẩm. Khảo sát hé lộ, một dòng sông cổ xưa khô cạn từ lâu có thể đã vận chuyển kim cương từ Wajrakarur đến sông Krishna và các nhánh của nó, nơi người ta tìm thấy những viên kim cương.

Tuy nhiên, kết quả này chưa chắc chắn chính xác, theo Yakov Weiss, nhà địa hóa học nghiên cứu về kim cương tại Đại học Hebrew Jerusalem. Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã nghiên cứu đặc điểm địa hóa học của những viên kim cương thông thường từ thạch quyển - lớp vỏ cứng và lớp phủ trên của Trái Đất - và xác định rằng mỏ Wajrakarur có thể chứa kim cương. Tuy nhiên, kim cương Golconda hình thành ở độ sâu lớn hơn trong lớp phủ, có lẽ ở vùng chuyển tiếp gần lõi Trái Đất.

Rất khó để phát hiện trực tiếp nguồn gốc của kim cương Golconda vì chúng không có các tạp chất chứa chất lỏng từ lớp phủ - nơi chúng bắt đầu hình thành. Weiss cho biết, điều này khiến chúng trở nên đẹp mắt và được ưa chuộng, nhưng cung cấp rất ít thông tin cho các nhà địa hóa học. Vì vậy, kim cương Golconda có lẽ sẽ luôn lưu giữ những bí ẩn.

Thu Thảo (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022