VNE-Flip-4603-1713756629.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9OGQSYKiHP5QoUE91eTwNQ

La Nina có thể dẫn tới những cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương như bão Matthew đổ bộ vào Haiti năm 2016. Ảnh: NASA

Sự thay đổi từ El Nino sang La Nina kéo theo nguy cơ bão lớn ở Đại Tây Dương và thời tiết khô hạn hơn bình thường ở phía nam nước Mỹ. Trên toàn cầu, La Nina thường khiến nhiệt độ giảm, nhưng trước khi tác động của nó diễn ra, 2024 vẫn nằm trong top 5 năm có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử khí hậu, theo Tom Di Liberto, nhà khoa học ở Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). "Mọi dấu hiệu đều chỉ ra 2024 sẽ là một năm nắng nóng", Live Science hôm 20/4 dẫn lời Di Liberto.

El Nino và La Nina mô tả những mô hình trái ngược ở gió mậu dịch di chuyển quanh xích đạo, thổi về phía tây từ Nam Mỹ tới châu Á. Trong năm trung hòa, khi không có mô hình nào tác động, gió mậu dịch đẩy nước ấm về phía tây, đẩy nước biển lạnh từ tầng nước sâu lên bề mặt để thay thế. Khi El Nino diễn ra, gió mậu dịch yếu đi, vì vậy phía đông Thái Bình Dương, cùng vùng ven biển phía tây Bắc Mỹ và Nam Mỹ, sẽ ấm hơn. Theo NOAA, kết quả là dòng tia di chuyển về hướng nam, làm Canada và phía bắc nước Mỹ khô hạn nhưng đem nhiều hơi ẩm tới các khu vực miền nam của Mỹ.

Trong năm La Nina xuất hiện, gió mậu dịch mạnh lên, đẩy nước ấm tới châu Á và tăng cường sự trồi lên của nước lạnh ở vùng ven biển Thái Bình Dương của châu Mỹ. Dòng tia di chuyển về hướng bắc, gây khô hạn ở tây nam và đông nam nước Mỹ, đồng thời đem thời tiết ẩm ướt hơn tới vùng tây bắc và Ngũ Hồ.

El Nino chính thức hoạt động từ tháng 6/2023, nhưng Trung tâm dự báo khí hậu của NOAA báo cáo mô hình khí hậu này đang yếu đi, với 85% khả năng chuyển sang pha trung hòa trước tháng 6. Sau đó, La Nina sẽ quay trở lại, với 60% khả năng xuất hiện trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, theo Trung tâm dự báo môi trường quốc gia. "Đối với El Nino mạnh tới mức này, không hiếm gặp sự kiện như vậy chấm dứt và chuyển sang La Nina một cách nhanh chóng", Di Liberto cho biết.

Kết quả đo đại dương hiện nay cho thấy nhiệt độ bề mặt ấm ở Thái Bình Dương, nhưng nước bên dưới lạnh hơn mức trung bình. Khi nước lạnh dâng lên bề mặt, sự chuyển đổi sẽ diễn ra nhanh chóng. Việc chuyển từ El Nino sang La Nina dấy lên nguy cơ về mùa bão mạnh sắp tới, theo Alex DesRosiers, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học khí quyển ở Đại học Colorado. Trong El Nino, hơi nóng bốc lên từ phía đông Thái Bình Dương vào tầng thượng quyển, dẫn tới gió mạnh hơn ở độ cao lớn. Điều này tạo ra gió đứt theo chiều dọc, chênh lệch trong tốc độ và hướng gió trên mặt đất với trong khí quyển. Gió đứt theo chiều dọc có thể chia cắt những cơn bão khi chúng đang hình thành.

Trong La Nina, gió ở tầng thượng quyển tĩnh lặng hơn, làm giảm gió đứt và cho phép các cơn bão lớn hình thành thông qua đối lưu của không khí nóng ẩm từ mặt biển. "Khi chúng ta chuyển sang La Nina, khí chuyển trở nên thuận lợi hơn để bão xuất hiện và mạnh lên", DesRosiers nói.

Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina sắp tới và nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương cực ấm hiện nay, nhóm nghiên cứu khí hậu và thời tiết nhiệt đới thuộc CSU dự đoán mùa bão Đại Tây Dương rất mạnh, ước tính 23 cơn bão có tên gọi (cao hơn mức trung bình là 14,4) và 5 cơn bão cấp 3 hoặc cao hơn. Năm nay có thể giống năm 2010 và 2020, cả hai năm đều có mùa bão sôi động, dù không chắc chắn bão mạnh có ảnh hưởng tới đất liền không.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022