Cuối tháng 3 năm nay, điện ảnh Việt được một phen "xúc động" khi chuyện đời những kẻ trôi sông lạc chợ, hát lô tô hội chợ được xuất hiện dưới dạng một phim điện ảnh. Ngay khi ra mắt Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) đã được chú ý bởi những cảnh quay đẹp mắt cùng câu chuyện cảm động lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) dù vẫn còn khá nhiều điểm có thể làm tốt hơn.
Chính hiệu ứng đó đã mang đến một sự tích cực vượt ngoài tầm điện ảnh, là sự quan tâm và cảm thông cho những người đồng giới phải khoác lên mình những váy áo loè loẹt để mưu sinh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thế rồi cuối tháng 6, lại thêm một tác phẩm cũng chọn những người đồng tính làm nhân vật chính xuất hiện trên màn ảnh rộng: Xóm trọ 3D. Cộng đồng LGBT Việt cùng những người ủng hộ như nhận được một món quà dễ thương từ cuộc sống
Một ngày nọ, anh chàng Phong (Huy Khánh) cố tình giả dạng làm "bóng" để được thuê phòng tại một xóm trọ chỉ dành cho 3D vì quy tắc ở đây là không cho trai thẳng thuê. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước Na (Maya), em gái của má Lâm (Minh Nhí), chủ xóm trọ, Phong lại rất mạnh mẽ nam tính. Cả hai dần dần nảy sinh tình cảm khiến cho Ông Nội (Việt Hương) phẫn nộ.
Cuộc sống của Phong ở xóm trọ rất nhiều màu sắc: vui có, buồn có cùng những người bạn 3D như Như Ý (Thái Duy), Tú (Nam Cường), Lệ (Xuân Nghị) và Bé Bỏng (Hoàng Linh). Cho đến một ngày kia, cũng vì sự xuất hiện của Phong đã làm mọi thứ bị đảo lộn. Những tai nạn từ nhỏ đến lớn lần lượt xảy ra tại xóm trọ khiến mọi người có nguy cơ ly tán.
Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên rất thành công của sân khấu kịch Phú Nhuận do Hồng Vân quản lý. Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cầm trịch bộ phim với dàn diễn viên chính là Huy Khánh, Maya, Việt Hương, Minh Nhí, Nam Cường...
Từ khi ra mắt công chúng lần đầu năm 2015, kịch Xóm trọ 3D đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả bởi không khí vui nhộn rất tự nhiên của người đồng tính, cộng với những giây phút cảm động đặc trưng của thể loại này. Phiên bản điện ảnh của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường vẫn giữ được thế mạnh này. Khiến cho sự ẻo lả, màu mè, ồn ào của giới bóng gió trở nên dễ thương và rất tự nhiên, không bị quy chụp là câu khách rẻ tiền.
Nếu Lô tô tập trung vào gánh hát lô tô hội chợ thì các "chị em" ở đây lại đa dạng ngành nghề hơn. Người là chuyên viên trang điểm cho gái quán bar (đôi khi trang điểm cho người chết), người thì đi hát dạo, người tự thiết kế quần áo để bán, cũng có kẻ đi làm diễn viên quần chúng (cho đạo diễn nước ngoài râu dài). Mỗi người mỗi vẻ, một kiểu tích cách, một thái độ khiến cho xóm trọ luôn rộn ràng. Nhưng dù đôi khi có cãi nhau thì họ vẫn xem nhau như người một nhà, bởi không dựa vào nhau thì biết dựa vào đâu nữa bây giờ.
Ngoài phần hài hước tự nhiên cùng nhiều câu thoại ấn tượng, dễ nhớ, dễ thành trào lưu thì mạch dẫn dắt cảm động của phim cũng được thể hiện khá tốt. Đoạn cuối phim khi nhân vật Lệ hát một ca khúc về bọn họ, hay như câu chuyện bi ai của Tú khiến khán giả rung động vừa chân phương vừa bản năng, tự nhiên và không bị gượng ép.
So với Lô tô thì Xóm trọ 3D xứng đáng nhận điểm cộng ở phần này vì phim giữ được tinh thần mình đưa ra từ đầu, không cần phải gồng lên để bi kịch rồi vô tình đánh mất luôn giá trị cốt lõi của bộ phim.
Những con người ở xóm trọ này chấp nhận thực tại của họ, không muốn đấu tranh hay đòi lại quyền công nhận từ ai. Từ đầu chí cuối họ tập trung cho cuộc mưu sinh của họ, cho những cảm xúc cá nhân rất đỗi bình thường khiến cho khán giả cũng đồng cảm với sự lạc quan và nỗ lực bình thường hóa cuộc sống của những kẻ bị cho là khác thường.
Tuy nhiên, hài đó, duyên đó, cảm động đó nhưng tác phẩm vẫn chưa đủ ấn tượng để người ta phải tấm tắc. Bởi ngoài phần khắc hoạ xóm trọ và những tâm tư tình cảm con người ở đó thì phần câu chuyện của Phong và Na lại được phát triển hời hợt và sáo mòn. Nếu Phong còn có một quá khứ bí ẩn thì Na hoàn toàn có hướng phát triển tâm lý một chiều, không đặc sắc.
Nút thắt của phim cũng được mở theo cách rất cũ, rất thường thấy trên sân khấu kịch là thoại kể. Chúng ta có thể thông cảm điều này cho sân khấu vì sự hạn chế về bối cảnh các thứ nhưng ở điện ảnh từ rất lâu rồi người ta đã không còn chọn phương pháp này nữa. Thành thử phim trở nên nhạt thếch ở trục chuyện "thẳng" trong khi phần "cong" lại mượt mà.
Nói về diễn xuất thì Hồng Vân, Việt Hương, Minh Nhí và Xuân Nghị là những cái tên xuất sắc nhất nhưng... cũng vậy! Tức là không khác nhiều với những cách thể hiện trước đây và trên sân khấu, thành ra có hay mấy cũng thành thường. Huy Khánh sau vai diễn tào lao trong S.O.S Sói trắng thì cũng đã khẳng định lại được mình qua vai Phong. Nam Cường đôi chỗ cũng làm khán giả ấn tượng dù cũng có đoạn anh xử lý hơi sến.
Công bằng mà nói thì đây là một phim khá so với mặt bằng chung, nhưng vẫn còn thiếu sự bứt phá và mạnh dạn thay đổi để tạo ra sự thoả mãn. Nhưng dù sao thì đây vẫn là một sản phẩm đáng trân trọng vì đầu tư nghiêm túc, hình ảnh chỉn chu và là một phim nên xem.
Phim khởi chiếu từ 30/6 trên toàn quốc.