Tại hội thảo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức ngày 25/9, các chuyên gia cho biết nhiều nghiên cứu tại Việt Nam gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ.

Hai năm gần đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ 15 - 24 tuổi là 7,3%, còn nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%, theo Bộ Y tế.

Nghiên cứu mới của Trường Đại học Y tế công cộng cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam. Kết quả công bố cho thấy hơn 96% và gần 38% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% và 1%.

GS.TS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng, cho rằng đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận thực tế ngành công nghiệp thuốc lá đang thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, như thỏi son, hộp sữa, cây kem nhiều hương vị nhiều hương vị,... Giá bán rẻ, từ 17.000 đồng, kèm khuyến mại như mua 2 tặng 1, tặng tinh dầu. Ngoài ra, họ còn sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc lá, đồng thời bán qua các trang thương mại điện tử. Vì vậy, thế hệ trẻ dễ tiếp cận với những sản phẩm này, phụ huynh không thể kiểm soát được.

1-jpeg-5359-1727439493.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M9LcvwWURdkgjXnvjaQ8dQ

Thuốc lá điện tử núp bóng dưới hình dạng hộp sữa. Ảnh: Hạnh Nguyên

"Chiêu trò của công ty thuốc lá"

Đại diện Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies cho biết mới đây STOP - mạng lưới các tổ chức y tế công cộng và học thuật, kết nối các chuyên gia để theo dõi mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thuốc lá - đã công bố tài liệu của một công ty cho thấy họ đã có chiến lược gây ảnh hưởng nhằm đạt được sự ủng hộ đối với sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS.

Theo đó, họ đã tuyên bố rằng các sản phẩm "thuốc lá không khói, bao gồm IQOS - một ngày nào đó sẽ thay thế thuốc lá điếu". Họ cho biết IQOS chỉ dành cho những người hút thuốc đã trưởng thành, những người sẽ tiếp tục hút thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy công ty này có kế hoạch lớn hơn cho IQOS. Mục tiêu rõ ràng và càng ngày càng có nhiều người bị cuốn hút vào một sản phẩm có hại.

Phân tích của STOP về kế hoạch tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá lên kế hoạch cho một chiến lược đa hướng nhằm tác động đến các nhà hoạch định chính sách ở địa phương, khu vực, quốc gia, thậm chí ở cấp độ quốc tế, nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi đối với IQOS.

3-jpeg-5716-1727439493.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0B5UFNm7f9HDtkVxTi8--w

Một bệnh nhân bị ngộ độc, tổn thương não do thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Tâm

Bên cạnh đó, giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee cũng nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách "lách" các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống.

Song, thực tế, cộng đồng y tế toàn cầu đã ghi nhận một số trường hợp tổn thương phổi do thuốc lá điện tử. Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới được cho là có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với não bộ đang phát triển của trẻ vị thành niên.

Riêng ở Việt Nam, tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cũng cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

WHO nói thêm không có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Các sản phẩm này đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe. Nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau, dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy. Tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.

Hiện, ít nhất 39 quốc gia hiện cấm thuốc lá điện tử, trong đó có 5 nước thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022