Đây là lần đầu tiên Mai, ở TP HCM, gay gắt với mẹ. "Mọi chuyện vượt quá ngưỡng chịu đựng, em không thể sống một cuộc đời mà việc gì cũng theo ý mẹ", nữ sinh 18 tuổi kể lại với thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.

Nữ sinh chia sẻ, mỗi tối không dám tắt điện ngủ, vì sợ mẹ phàn nàn: "Sao ngủ sớm quá vậy, nhìn con nhà người ta học đến 1-2 giờ sáng kia kìa". Nhiều đêm mệt, Mai tự tát nhiều lần vào mặt, làm đau bản thân để tỉnh táo.

Ngoài học ở trường, mẹ Mai đăng ký học thêm cho con gần hết các buổi trong tuần, học gia sư, sau đó cô gái phải tự học đến khuya. Kết quả cuối kỳ, thấy con gái của một đồng nghiệp đứng tốp 2 của lớp, trong khi Mai chỉ đứng tốp giữa, người mẹ không kiềm chế, mắng nhiếc và xúc phạm khiến em tổn thương. Em cầu xin mẹ đừng so sánh mình với người khác nhưng bị mắng hỗn hào, không biết phấn đấu.

Hai tháng gần đây, Mai buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, giảm khả năng học tập và không còn hứng khởi với ước mơ thi đại học như trước. Cô gái trở nên lầm lì, xa cách, không tập trung, ít giao tiếp, mất ngủ kéo dài, thi thoảng bật khóc và bực tức vô cớ. Em được thạc sĩ Toàn chẩn đoán bị trầm cảm, phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thuốc, kết hợp sinh hoạt lành mạnh.

Tương tự, Dũng, 27 tuổi, ở Hà Nội, chưa có công việc ổn định, 6 tháng nay không dám về quê vì sợ bố mẹ hỏi đến công việc. Mẹ anh hay nhắc đến một thanh niên trong xóm bằng tuổi Dũng, làm công nghệ thông tin, ca tụng "người này kiếm tiền giỏi, mua xe, mua nhà".

"Cùng học hành mà đứa thì nhà thành phố, đứa vẫn lông bông", người mẹ than vãn khiến Dũng nặng trĩu.

Có thời điểm, chàng trai không có việc làm, phải nợ nần sống qua ngày, nhiều lần bế tắc, nghĩ quẩn. Nghe nhiều người động viên "khó khăn quá thì hãy trở về quê với gia đình" nhưng Dũng không thể đối mặt với bố mẹ.

Anh tham gia một lớp dạy về cách sống, liền lấy hết dũng khí, tâm sự những khó khăn, bế tắc với người mẹ, song không ngờ đó lại là điều làm chàng trai hối hận nhất. "Đẹp mặt chưa? Nhìn người ta đi", mẹ anh chì chiết, liên tục xúc phạm con trai kém cỏi sau khi nghe chuyện.

Dũng sinh mệt mỏi, chán nản, dần thu mình, trở nên tự ti, hay khóc thầm, tìm đến rượu bia và làm đau bản thân để giải tỏa, dần trở nên chán nản, hay nói nhảm, được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm.

woman-reflection-geralt-pixaba-5114-3768-1727232509.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Oy_G_b6l5RV5Ano_AOlTyw

Con người hiện đại dễ so sánh mình với người khác do tác động từ mạng xã hội. Ảnh: Pixabay.

Một nghiên cứu toàn cầu thực hiện năm 2021 của Barna Group (Mỹ) và Impact 360 Institute cho thấy cứ 5 người sẽ có 2 người thuộc Gen Z chịu áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, yếu tố bên ngoài là kỳ vọng của cha mẹ (39%) và bị đánh giá bởi thế hệ trước (42%). Yếu tố bên trong gồm áp lực thành công (56%) và cần phải hoàn hảo (42%).

Nghiên cứu của bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai năm 2019-2020, phát hiện hơn 55% người trẻ bị sang chấn tâm lý. Trong đó, áp lực lớn nhất gặp phải là từ gia đình (20,5%).

Theo chuyên gia Toàn Thiện, tình trạng trẻ bị so sánh với "con nhà người ta" có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý phức tạp, kéo dài từ những khó khăn về tinh thần đến rối loạn lo âu và trầm cảm.

Đầu tiên, trẻ cảm thấy mình không đủ tốt, tăng cảm giác lo lắng, hoài nghi về khả năng bản thân, tự ti, dẫn tới áp lực phải đạt được kỳ vọng. Trẻ cũng dễ trở nên nhạy cảm với hình ảnh và giá trị bản thân, ảnh hưởng đến khả năng xây dựng mối quan hệ và phát triển sự nghiệp, mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây mình yêu thích. Khi gặp biến cố như điểm kém, thi trượt... trẻ dễ gặp cú sốc, sang chấn tâm lý, kéo dài khi trưởng thành.

Ở khía cạnh hành vi, trẻ có thể tránh né các hoạt động xã hội, thay đổi thói quen như ngủ không đủ giấc hoặc ăn uống không điều độ. Nhiều em có những hành vi chống đối để phản kháng những áp lực của ba mẹ (đặc biệt là giai đoạn vị thành niên).

Về nhận thức, trẻ thường phát triển những suy nghĩ tiêu cực, tự chỉ trích và so sánh bản thân với người khác, từ đó không nhận ra hoặc đánh giá thấp những điểm mạnh của chính mình.

Đặc biệt, nhiều trẻ có biểu hiện "trầm cảm ẩn", theo giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU trường Đại học quốc tế Bắc Hà. Khi tiếp xúc với nhiều học sinh, bà Lan nhận thấy nhiều trẻ bề ngoài rất vui vẻ, nỗ lực và đạt được những thành tích học tập đáng nể. Tuy nhiên, khi kết nối và trò chuyện sâu hơn, nhiều em khóc và nói rằng "quá áp lực giữ gìn một hình ảnh hoàn hảo". Các em liên tục cố gắng đến mức kiệt sức, chịu đựng âm thần, và tự làm đau bản thân để giải tỏa.

Mạng xã hội góp phần tác động đến rối loạn tâm thần của thanh thiếu niên. Trẻ có thể theo dõi và tự so sánh bản thân với những người khác ở trên mạng, chưa kể có nhiều hội nhóm liên quan trầm cảm, tiêu cực. Một số trẻ sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, thời gian hoạt động bên ngoài giảm, gây mất cân bằng các yếu tố cuộc sống, từ đó stress nhiều hơn.

Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên khuyến khích và ủng hộ những nỗ lực của con, ghi nhận sự cố gắng, ngay cả trong những việc nhỏ, để giúp trẻ cảm thấy có giá trị và tự tin hơn. Tạo môi trường giao tiếp cởi mở cũng rất quan trọng, nơi trẻ có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Việc phụ huynh lắng nghe và thấu hiểu những lo lắng của trẻ sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó và đáng tin cậy - là điểm tựa cho các em đứng dậy sau các vấp ngã.

Cha mẹ cũng nên giúp trẻ phát triển kỹ năng tự nhận thức để nhận diện và phát triển điểm mạnh của bản thân, đồng thời thiết lập mục tiêu cá nhân thay vì chỉ tập trung vào so sánh với thành tích của người khác.

Thúy Quỳnh - Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022